Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: Chàng.
  2. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  3. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  4. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  5. Bát vạn, cửu văn
    Các quân bài trong tài bàn, một trò chơi bài lá tượng tự tổ tôm nhưng luật chơi đơn giản hơn.
  6. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  7. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  8. Nhà Bè
    Tên một đoạn sông ngắn và cũng là tên một huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đoạn sông Nhà Bè bắt đầu ở nơi giao nhau giữa sông Sài Gònsông Đồng Nai, chảy xuôi về phía Nam khoảng 12 km thì lại chia hai thành sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Xưa kia, tại khúc sông này, việc đi lại rất khó khăn, vì lòng sông rộng và nước chảy xiết. Ghe thuyền phải neo lại, đợi khi nào thuận lợi mới đi tiếp. Một phú hộ tên Võ Thủ Hoằng (thường gọi Thủ Huồn), nhằm chuộc lại tội lỗi trước đây, đã làm phước kết tre làm bè và cất nhà ở trên sông, chứa sẵn củi, gạo, nước ngọt để giúp khách đi đường thuỷ khỏi bị đói. Sau đó, nhiều người buôn bán cũng kết hàng chục chiếc bè, tạo thành chợ nổi trên sông. Vì vậy mới có địa danh Nhà Bè.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ  máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên trái là sông Sài Gòn.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên phải là sông Sài Gòn.

  9. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  10. Hát phường vải
    Còn gọi ví phường vải, một loại hình hát ví đặc biệt trong dân ca của vùng Nghệ An, gắn liền với các phường vải của các cô gái xứ Nghệ, nhất là các vùng Nghi Xuân, Kì Anh, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An). Đề tài hát phường vải thường xoay quanh chuyện tình yêu, hỏi thăm tên tuổi, thử tài kiến thức... Hát phường vải thường có các nhà nho tham gia ứng tác và đối đáp, vừa thể hiện tình cảm vừa thể hiện trí tuệ. Nhà cách mạng Phan Bội Châu thời trẻ cũng là người hát phường vải rất tài.

    Xem phóng sự Hát phường vải xứ Nghệ.

  11. Sắc
    Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.

    Sắc chỉ của vua Minh Mạng về Hoàng Sa

    Sắc chỉ của vua Minh Mạng về Hoàng Sa

  12. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  13. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  14. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Bình hương
    Loại lọ bằng gỗ, sành hoặc sứ, thường có hoa văn, để cắm và thắp nhang trên bàn thờ hoặc những chỗ thờ cúng khác. Tùy theo hình dạng mà bình hương cũng gọi là bát hương hoặc nồi hương.

    Bát hương và cặp lọ trang trí

    Bát hương và cặp lọ trang trí

  16. Đá mài
    Ngày xưa (và ở một số vùng nông thôn, miền núi bây giờ) nhân dân ta mài dao cho sắc bằng một hòn đá rất cứng gọi là đá mài. Trước và trong khi mài, người ta vuốt nước lên hòn đá ấy.

    Mài dao kéo

    Mài dao kéo

  17. Bổ
    Ngã (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  19. Đồng Quan, đồng Chùa
    Hai cánh đồng thuộc địa phận xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  20. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  21. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  22. Tra
    Già (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Kẻ tra nghĩa là người già.
  23. Phi cao đẳng bất thành phu phụ
    Không tốt nghiệp cao đẳng thì không thành vợ chồng. Đây là “chủ trương kén chồng” của các cô gái Hà Nội thời Pháp thuộc (ở thời ấy bằng cao đẳng là rất cao).
  24. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  25. Khoai mỡ
    Một loại dây leo cho củ, còn có tên là khoai lăng, khoai tím, củ tía hoặc củ lỗ. Khoai mỡ có hai loại: ruột trắng và ruột tím. Người Việt dùng khoai mỡ tím nấu xôi, làm bánh, chiên giòn, nấu cháo, nhưng phổ biến và dễ làm nhất là nấu canh ăn trong bữa cơm hằng ngày.

    Khoai mỡ

    Khoai mỡ