Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khạp
    Lu lớn ở miền Tây Nam Bộ, cũng gọi là thạp, làm bằng sành, dùng để hứng và đựng nước mưa, hoặc đựng mắm, gạo... Có khạp da bò (bên ngoài màu vàng nâu như da con bò, sờ thấy nhám) và khạp da lươn (thường nhỏ hơn, trơn bóng, màu giống da con lươn).

    Lu khạp

    Lu khạp

  2. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  3. Nhất vương nhị đế
    Một cách gọi ba anh em nhà Tây Sơn, gồm Đông Định Vương Nguyễn Lữ, Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc và Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ.
  4. Quy tiên
    Về chầu tổ tiên, nghĩa là chết đi. Từ này thường dành cho người già hoặc người đáng kính trọng.
  5. Nguyễn Lữ qua đời vào cuối năm 1787 (Mậu Thân), Nguyễn Huệ qua đời vào năm 1792 (Nhâm Tý), Nguyễn Nhạc qua đời vào năm 1793 (Quý Sửu).
  6. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  7. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  8. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  9. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  10. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  11. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  12. Quynh
    Đồ đan bằng tre, dùng để quây và nhốt vịt ngoài đồng.
  13. Có bản chép: Hỏi thăm chú bán cót bán quynh.
  14. Bến Ván
    Còn có tên chữ Hán là Bản Tân, một bến thuyền nằm bên hữu ngạn của con sông cùng tên. Con sông thuộc địa phận huyện Núi Thành, chảy qua An Tân và đầm An Thái, tỉnh Quảng Nam, dài độ 6 km. Có tên như vậy do ngày xưa gỗ khai thác từ nguồn Hữu Ban chuyển theo đường nước về đây được xẻ thành ván cung cấp cho ngành đóng thuyền và làm đỗ gia dụng. Bến Ván nay thuộc thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
  15. Trì Bình
    Một thôn nay thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  16. Quán Cơm
    Tên một cái chợ nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  17. Cây rơm
    Sau mỗi vụ lúa, nhân dân ta thường phơi khô thân lúa thành rơm, đánh thành đống cao đặt ở trước hoặc sau nhà, gọi là cây rơm. Rơm khô có thể dùng làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc làm thức ăn, lót ấm cho gia súc trong mùa đông. Cây rơm càng to, cao thì vụ mùa càng bội thu.

    Cây rơm

    Cây rơm

  18. Nhứt ngôn trúng, vạn sự thành
    Một lời đã nói đúng thì mọi chuyện đều thành công.
  19. Đành
    Ưng thuận (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.
  21. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  22. Phá Cầu Hai
    Tên một cái phá trong hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đây phá Cầu Hai là một nơi hiểm trở, tàu bè qua lại rất khó khăn.

    Đầm phá Cầu Hai

    Đầm phá Cầu Hai

  23. Cối xay bột
    Loại cối dùng để xay nông sản như gạo, ngô... thành bột. Cối được làm bằng đá (nên cũng gọi là cối đá), gồm hai thớt: thớt trên được khoét lõm hình bán nguyệt, thớt dưới được khoét máng vòng quanh. Hai thớt được lắp cố định với nhau bằng một trục (gọi là ngõng). Để xay bột, người ta đổ nông sản vào thớt trên và xoay thớt quanh trục; nông sản chảy xuống theo lỗ được sức nặng của thớt trên nghiền nát và hòa với nước chảy xuống máng của thớt dưới.

    Cối xay bột

    Cối xay bột

  24. Cá lành canh
    Loài cá nhỏ cùng họ với cá cơm, thân mỏng, dài (khoảng 20 mm) và thuôn, đuôi nhỏ, mình trắng trong, ít vẩy, đỉnh đầu và lưng có màu xanh đen, nhạt dần xuống phía bụng, đa số sống thành đàn ở hạ lưu các sông ngòi nước ngọt, ăn phù du và các động vật nhỏ. Cá lành canh thường được dùng nấu canh và làm chả.

    Cá lành canh

    Cá lành canh

  25. Cun cút
    Cũng gọi là chim cút, một loài chim nhỏ cùng họ với gà, đuôi cộc, chân ngắn, lông màu nâu xám, thường sống ở đồi cỏ, lủi rất nhanh trong bụi cây. Chim cút cũng được nuôi để lấy thịt, trứng.

    Chim cút

    Chim cút

  26. Có bản chép: thầy.
  27. Mình ên
    Một mình, đơn độc (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  29. Trung Ái
    Một làng thuộc phủ Quảng Trạch, nay là làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
  30. Nguyễn Hàm Ninh
    (1808-1867) Tự Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Ninh, sau dời sang làng Trung Ái, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông làm quan cho triều Nguyễn, nổi tiếng hay chữ, nhưng do tính tình cương trực nên hoạn lộ không suôn sẻ. Có nhiều giai thoại về Nguyễn Hàm Ninh, trong đó nổi tiếng nhất là giai thoại liên quan đến vua Tự Đức: Một lần vua đang ăn thì cắn phải lưỡi, nhân đó thách quần thần làm thơ vịnh "răng cắn lưỡi" nhưng không được nhắc đến hai từ "lưỡi" và "răng." Bài thơ của Nguyễn Hàm Ninh như sau:

    Sinh ngã chi sơ, nhĩ vị sinh,
    Nhĩ sinh vi hậu, ngã vi huynh.
    Đồng thời cộng hưởng trân cam vị,
    Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình?

    (Tớ đẻ trước khi chú chửa sinh
    Sau khi sinh chú, tớ làm anh
    Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng
    Cốt nhục làm sao nỡ dứt tình?)

    Bài thơ này được cho là có ý đả kích việc vua phế truất và giam giữ anh mình là thế tử Hồng Bảo cho đến chết.

  31. Quảng Hòa
    Trước đây là làng Hòa Ninh, sau là một xã thuộc huyện Quảng Trạch, nay thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
  32. Đoàn Chí Tuân
    Có tài liệu ghi là Đoàn Đức Mậu, hiệu là Bạch Xỉ, sinh năm 1855 tại Hòa Ninh, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông lập căn cứ chống Pháp ở vùng núi miền Nam Quảng Bình. Ông dùng "pháp thuật" để kêu gọi quần chúng, đồng thời tự xưng hoàng đế (hiệu Long Đức), nên bị nhiều sĩ phu yêu nước cùng thời (trong đó có Phan Đình Phùng) không đồng tình. Năm 1896, cuộc khởi nghĩa thất bại, Đoàn Chí Tuân bị bắt, đến cuối năm 1897 thì mất trong nhà lao của Pháp. Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện có một đường phố mang tên ông.