Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  2. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  3. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  4. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  5. Cội
    Gốc cây.
  6. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  7. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  8. Lộp
    Cũng gọi là lọp, một loại dụng cụ dùng bắt thủy hải sản phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ. Lộp được đan bằng tre, một đầu (hoặc cả hai đầu) có hom hình phễu, cá tôm, rùa rắn vào được nhưng không ra được.

    Cái lọp

    Cái lọp

  9. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  10. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  11. Đảnh
    Đỉnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng chỉ đỉnh núi, đỉnh đèo.
  12. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  13. Hai ông súng
    Thời nhà Nguyễn, trên đỉnh đèo Xuân Đài có bố trí hai khẩu súng thần công để bảo vệ vịnh. Hiện nay tại vùng biển này nhân dân đã tìm ra được nhiều di vật lịch sử, trong đó có cả súng thần công.
  14. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  15. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  16. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  17. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  18. Lợn nhà, gà chợ
    Kinh nghiệm dân gian: mua lợn ở nhà để chọn được giống tốt, mua gà ngoài chợ để được chọn thoải mái.
  19. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  20. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  21. Vô duyên
    Không có duyên số tốt.
    Trông chồng mà chẳng thấy chồng
    Đã đành một nỗi má hồng vô duyên

    (Lục Vân Tiên)
  22. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  23. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  24. An Nhơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bình Định, nay là thị xã An Nhơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về hướng Tây Bắc. Những năm 938-1470, An Nhơn là vùng trung tâm của Vương quốc Chăm Pa cổ đại, với thủ đô là thành Đồ Bàn (nay thuộc xã Nhơn Hậu).
  25. Mò O
    Tên một ngọn núi ở An Nhơn, Bình Định. Đại Nam nhất thống chí gọi là núi Mộ Ổ: "Núi Mộ Ổ ở phía Đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình cái giá bút, phía Đông có núi Tương Bì, phía Đông Nam có núi Tiểu Đại (có tên nữa là Cô Sơn), phía Đông Bắc có thành Tây Sơn dài ước 3, 4 trượng, trong thành có hồ rộng hơn hai trượng, trong hồ có cột đá nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng một thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng phía Nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hãn, phía Tây Nam có hai cây tháp là tháp Con Gái và tháp Học Trò, nay đều đổ nát."

    Núi Mò O buổi bình minh

    Núi Mò O buổi bình minh

  26. Chùa Thập Tháp
    Tên chữ là Thập Tháp Di Đà, một ngôi chùa ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28km. Chùa được hòa thượng Nguyên Thiều dựng vào năm 1683, trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm, nên có tên như vậy. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần vào các năm 1820, 1849, 1877 và 1924. Đến nay chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính. Chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu, vì đây là ngôi chùa cổ xưa nhất ở miền Trung.

    Một góc chùa Thập Tháp

    Một góc chùa Thập Tháp

  27. Trường Thi
    Tên một bến đò trên sông Cửa Tiền, đoạn chảy qua hai xã Nhơn Hòa và Nhơn Hưng cùng thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Vào năm Tân Hợi (1851) nhà Nguyễn mở khoa thi Hương cho các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tại Bình Định. Từ thị trấn Bình Định đến trường thi phải qua một con đò ngang, nên bến đò này được gọi là bến Trường Thi.

    Bến Trường Thi cũng chính là bến My Lăng trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan:

    Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng!
    Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

    Cầu Trường Thi tại vị trí bến đò Trường Thi xưa

    Cầu Trường Thi tại vị trí bến đò Trường Thi xưa

  28. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  29. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  30. Tưởng
    Nghĩ đến (từ Hán Việt).
  31. Thâm
    Sâu (từ Hán Việt).
  32. Lợt
    Lạt, nhạt.
  33. Khôn
    Khó mà, không thể.
  34. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  35. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào