Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  2. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  3. Giang
    Sông lớn (từ Hán Việt).
  4. Đồn Nhứt
    Tên một cái chòi canh trên đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, trong đó có một tháp canh rất cao. Khi quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này và gọi là "Đồn Nhứt." Hiện ở đây vẫn còn di tích tháp canh này.

    Di tích đồn Nhất

    Di tích đồn Nhứt

  5. Liên Chiểu
    Tên một quận, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân thuộc quận này.
  6. Thủy Tú
    Tên một ngôi làng thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
  7. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  8. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  9. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  10. Quán Cái
    Còn gọi là Quảng Cái, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nơi có chợ Quán Cái và nghề chạm khắc đá nổi tiếng.
  11. Mân Quang
    Tên gốc là Mân Quan, nay thuộc phường Thọ Quan, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  12. Miếu Bông
    Một địa danh nay thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
  13. Cẩm Lệ
    Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ

    Thuốc lá Cẩm Lệ

  14. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Chợ Tổng
    Gốc là chợ Củi, một ngôi chợ trù phú nằm gần bến sông và phủ lị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào cuối thế kỉ 19. Sau cách mạng tháng Tám, chiến tranh bùng nổ, chợ vẫn hoạt động nhưng khách vãng lai thưa dần vì cơ quan hành chính dời về Vĩnh Điện. Đến năm 1948 giặc Pháp lập đồn Cầu Mống, nới rộng vòng đai bảo vệ, chợ Củi bị giải toả và chuyển về Ngã Tư Quốc lộ - tỉnh lộ đi Hội An gọi là chợ Tổng (Tổng An Nhơn) gần khu Văn Thánh. Chợ bấy giờ là nơi buôn bán của dân chúng các làng An Nhơn, Thanh Chiêm, Uất Lũy, Phước Kiều, An Quán (các xã Điện Minh, Điện Phương bây giờ). Hàng rau tươi từ Trung Phú gánh đến bán cũng như tôm cá do vạn ghe An Nhơn, Cầu Mống mua về từ cửa Đại. Đến năm 1954, đường thuỷ sông Thu Bồn thuận tiện cho việc đối lưu hàng hoá dưới biển trên nguồn, Cầu Mống có bến ghe tập trung tạo nên một khu chợ mới. Chợ Cầu Mống hình thành, Chợ Tổng dần vắng khách. Đến năm 1977 chợ Tổng bị giải tỏa.
  17. Phú Thượng
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
  18. Đại La
    Một địa danh nằm giữa phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang - Đà Nẵng).
  19. Cồn Dầu
    Một địa danh ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với giáo xứ Cồn Dầu.
  20. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  21. Chợ Vải
    Một ngôi chợ chuyên bán vải nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Vải ở Hội An

    Chợ Vải ở Hội An

  22. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  23. Giáp Năm
    Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  24. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  26. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  27. Dớn
    Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

    Rau dớn (Nguồn)

    Rau dớn

  28. Cóc kèn
    Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.

    Hoa của cây cóc kèn.

    Hoa của cây cóc kèn

    Lá và quả của cây cóc kèn.

    Lá và quả của cây cóc kèn

  29. Rắn nước
    Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...

    Rắn nước

    Rắn nước

  30. Rắn râu
    Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.

    Rắn râu

    Rắn râu

  31. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  32. Rắn lục
    Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...

    Rắn lục xanh

    Rắn lục xanh

  33. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  34. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  35. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  36. Xương Rồng
    Tên ngọn núi lớn nhất ở phía Bắc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo thần thoại, ngày xưa có một con rồng nằm trên đỉnh núi. Tương truyền thầy phù thủy Trung Quốc là Cao Biền, do lo sợ nước ta có anh hùng xuất hiện, đã cưỡi mây bay đến chém vào đỉnh núi để rồng bay về Tàu. Nhưng gươm lại chém vào thân rồng, rồng chết còn lại bộ xương, nên gọi là núi Xương Rồng.

    Núi Xương Rồng

    Núi Xương Rồng

  37. Mỹ Á
    Một cửa biển nay thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
  38. Thủy Triều
    Tên một con sông chảy qua huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  39. Thập tam trại
    Tên gọi chung chỉ 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long, gồm có Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Đại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc (Vĩnh Phúc), Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ. Tương truyền, các làng này được lập nên thời vua Lý Nhân Tông, bởi công của dũng sĩ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật, đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long.
  40. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  41. Kinh quán
    (Dân) ở nơi kinh đô.
  42. Cựu quán
    (Dân) ở nơi làng cũ.
  43. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  44. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân thập tam trại rủ nhau tấp nập về làng Lệ Mật (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để tỏ mối tình ruột thịt với dân làng cổ và nhất là với họ hàng thân thuộc.
  45. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  46. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  47. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  48. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  49. Ông Trượng - Tiên Bửu
    Tên một truyện thơ có nội dung xoay quanh hai nhân vật là ông Trượng - một lão già đã bảy mươi tuổi, và Tiên Bửu - một cô gái chèo đò tuổi vừa đôi tám. Bị lão già ve vãn, Tiên Bửu bực mình lắm, bèn chỉ chảo nước sôi, bảo lão chui vào đó để lột da thành trai trẻ đẹp, cốt ý muốn giết chết lão. Không ngờ lão không chết mà lại hóa thành chàng trai trẻ đẹp thật, làm điên đảo tâm hồn Tiên Bửu. Cô nàng trở lại theo ve vãn ông Trượng, nhưng ông Trượng -thật ra là một vị Tiên đội lốt xuống trần để thử lòng Tiên Bửu - đã bỏ cô lại mà bay về trời.

    Truyện thơ Ông Trượng - Tiên Bửu rất nổi tiếng ở miền Nam ngày trước, đã được nhân dân chuyển thể thành hò, cải lương...

    Xem một trích đoạn vọng cổ hài Ông Trượng - Tiên Bửu tại đây.

  50. Từ
    Ruồng bỏ, không nhìn nhận. Cha mẹ từ con nghĩa là không còn nhận đó là con mình.
  51. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  52. Vải bố
    Vải dày dệt bằng sợi đay thô.

    Vải bố

    Vải bố

  53. Bố tời
    Loại vải như vải bố, nhưng thô hơn, thường dùng làm bao tải.

    Bao bố (bao đay)

    Bao bố (bao đay)

  54. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  55. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  56. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  57. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  58. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  59. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  60. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  61. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  62. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  63. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  64. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  65. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  66. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  67. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  68. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  69. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  70. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  71. Quản
    E ngại (từ cổ).