Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  2. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  3. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  4. Khôn
    Khó mà, không thể.
  5. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Trăng mờ vì có nhiều hơi nước trong không khí, báo hiệu sắp có mưa, tốt cho lúa nỏ (lúa ở ruộng cao, khô). Ngược lại, trăng tỏ nghĩa là trời nắng, không mưa, cấy lúa ở ruộng sâu không sợ lụt lội.
  7. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  8. Đứa có tình rình đứa có ý
    Thói thường suy bụng ta ra bụng người, đã có ý gian thì hay để ý dè chừng vì cho rằng người khác cũng như mình.
  9. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  10. Giá gương
    Khung bằng gỗ để đỡ tấm gương.
  11. Đại Hữu
    Một làng nay thuộc địa phận xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được cho là nơi ra đời của Đinh Tiên Hoàng. Ở đây có núi Kỳ Lân, trên đỉnh núi có gò Bồ Đề, tương truyền là nền nhà của Đinh Bộ Lĩnh.
  12. Điềm Dương
    Cũng gọi là Điềm Giang, một làng nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là quê hương của thánh sư Không Lộ.
  13. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  14. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  15. Vải the
    Loại vải dệt bằng tơ nhỏ sợi, mỏng, thưa, không bóng, thời trước thường được dùng may áo dài khoặc khăn, màn.

    Áo the, khăn đóng

    Áo the, khăn đóng

  16. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  17. Tấn lai
    Bước đến.
  18. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  19. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  20. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  21. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  22. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  23. Hà do
    Tại sao.
  24. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  25. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  26. Hiếu sự vi tiên
    Lấy việc hiếu thảo làm đầu (thành ngữ Hán Việt).
  27. Mộ thê tử
    Yêu mến vợ con.
  28. Sinh thành
    Sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ cho thành người (từ Hán Việt).
  29. Lai hoàn cựu đô
    Quay về kinh đô cũ.
  30. "Bát" từ Hán Việt nghĩa là tám.
  31. Kim Dữ
    Tên một hòn đảo ngoài khơi biển Hà Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dữ ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con giao long ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì hòn núi bị xê dịch, có khi gần bờ, có khi xa bờ. Do núi Kim Dữ có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm 1831, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên đảo, đặt súng thần công. Từ đó hòn đảo này có tên gọi là Pháo Đài. Địa danh Pháo Đài hiện nay là một phường thuộc Hà Tiên.
  32. Mũi Nai
    Một địa danh nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Mũi Nai có tên Hán Việt là Lộc Trĩ. Theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt: Thuở xa xưa, góc biển này được gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy ( là núi, Nạy là lớn) mà người Khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Đến khi người Việt đến đọc âm này thành Nai. Đến thời người Hoa đến, họ dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc... (Nghiên cứu Hà Tiên, NXB Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 28). Gia Định thành thông chí chép:

    Lộc Trĩ cách trấn về phía tây 43 dặm. Cây cối lửng lơ lưng núi, ngọn núi nhọn đứng chọc trời cao, vượt qua đất bằng mà gối đầu bờ biển. Suối ngọt, đất tốt, nhà cửa nhân dân ở vây quanh dưới bóng núi. Trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên thì Lộc Trĩ thôn cư (xóm quê Mũi Nai) là một cảnh vậy.

    Bãi biển Mũi Nai

    Bãi biển Mũi Nai