Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gá dươn
    Gá duyên, kết nghĩa vợ chồng (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Mỹ Đông
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
  3. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  4. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  5. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  6. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  7. Phòng không
    Buồng trống không có ai, ý nói ở vậy, không lấy vợ hay chồng.
  8. Tớt môi
    Môi trên ngắn hơn môi dưới.
  9. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  10. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  11. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  12. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  13. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  14. Của làm ăn no, của cho ăn thêm
    Chỉ có của cải tự mình làm ra mới ăn tiêu được thỏa thuê.
  15. Lộ
    Đường cái, đường đi lại (từ Hán Việt).
  16. Mương
    Đường nước do con người đào để dẫn nước.

    Mương nước

    Mương nước giúp tưới tiêu ruộng lúa

  17. Hàng
    Đồ hay vải dệt mỏng bằng tơ nói chung.
  18. Thế
    Thế chấp, giao tài sản để làm tin khi vay tiền.
  19. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  20. Chèo chẹo
    Đòi hỏi điều gì dai dẳng đến nỗi gây khó chịu cho người khác (thường để nói trẻ nhỏ).
  21. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  22. Mồng đốc
    Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
  23. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  24. Khi trồng cây ăn trái nên trồng thưa vừa đủ để tán cây này không chạm vào hay che phủ tán cây kia, tránh được việc ngăn sáng lẫn nhau. Cũng vậy, khi đào ao nuôi cá thì ao phải đủ rộng để cá có thể phát triển tốt.
  25. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Thoàn
    Thuyền (cách phát âm của người Nam Bộ ngày trước).
  27. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  28. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  29. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  30. Chợ Xổm
    Một ngôi chợ nằm về phía đông cuối thôn Phú Thạnh (nên cũng gọi là chợ Phú Thạnh), xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì khi mới bắt đầu hình thành, người dân ngồi xổm để họp chợ. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày mùng 1, 11, 21 và mùng 6, 16, 26.

    Chợ Xổm cùng với chợ Ma Liên là hai trong số những chợ nổi tiếng của tỉnh trước năm 1945.

  31. Có bản chép: xôi.
  32. Đất Đỏ
    Tên một con đèo cao gần 700m thuộc cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
  33. La Hai
    Một địa danh nay là thị trấn trung tâm huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 45 km. Thị trấn La Hai nằm bên bờ sông Cái, cảnh vật rất nên thơ, lãng mạn.

    Nghe bài hát La Hai tháng Tư.

  34. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  35. Trong đình chùa Việt Nam thường có con rùa đá đội hạc hoặc văn bia.

    Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu

    Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu

  36. Có bản chép "Tình cờ."
  37. Chữ điền
    Chữ 田 (ruộng). Mặt chữ điền tức là mặt cương nghị (nam) hoặc phúc hậu (nữ).