Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ải
    Cày lật đất lên, tháo hết nước đi để cho đất phơi nắng. Ải đất trong canh tác nông nghiệp có mục đích khử trùng đất, giảm bớt các tác nhân gây bệnh cho hoa màu trong đất.

    Cày ải đất

    Cày ải đất

  2. Quốc thái dân an
    Đất nước thái bình, dân chúng an vui (thành ngữ Hán Việt).
  3. Có hai cách giải nghĩa cho câu này:

    1. Theo báo Nam Phong số 179 (12/1932): Tục thờ thần ở là Diêu-lương thuộc phủ Lâm-thao, cứ đến mồng 4 tháng giêng, rước thần ra nơi đàn ngoài đồng, để một quả cầu ở trước đàn, người già người trẻ đứng hai bên, rồi một ông già vào trong đàn la to lên rằng: Hai bên lại mà tranh lấy, bên nào được đem về bên ấy, tục gọi là "hội tranh quả cầu."

    2. Nhắc đến trò vật cù, tương truyền xưa kia tướng quân Phạm Ngũ Lão đã dùng để rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ. Quả cù làm từ củ chuối hột, hình tròn, đường kính khoảng 30cm. Trọng tài cầm quả cù đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào rổ của đối phương, bên nào cho vào rổ của bên kia nhiều hơn là thắng cuộc.

  4. Nhứt
    Nhất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  6. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  7. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  8. Chàng hiu
    Còn gọi là chàng hương, chàng cương, chẫu chàng, nhái bén, một loài thuộc họ ếch nhái, mình nhỏ, chân dài, sống ở đồng ruộng, ao hồ hoặc trên cây.

    Chàng hiu

    Chàng hiu

  9. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  10. Rế
    Vật dụng làm bếp, thường đan bằng tre nứa, hình tròn, để đỡ nồi chảo cho khỏi bỏng và dơ tay.

    Đan rế

    Đan rế

  11. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  12. Để chế
    Để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  13. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Lục Rế.
  14. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  15. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  16. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  17. Vời
    Khoảng giữa sông.
  18. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  19. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  20. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  21. Đàn tranh
    Một loại đàn truyền thống của Việt Nam. Đàn tranh có thân bằng gỗ, dây đàn bằng kim loại (xem hình dưới). Trước kia, đàn tranh có 16 dây, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cải tiến thành đàn tranh 17 dây.
    Nghe nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn tranh ở đây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

  22. Cầm
    Một nhạc cụ truyền thống của Trung Hoa, còn gọi là cổ cầm, có nguồn gốc từ rất xưa, ít nhất ba nghìn năm. Đàn cầm được chế tác từ gỗ ngô đồng, lấy tơ xe thành dây, ban đầu có năm dây, đến đầu đời nhà Chu (1046 TCN - 256 TCN) thêm hai dây thành bảy dây. Theo truyền thuyết, vua Phục Hi thời thượng cổ thấy chim phượng đậu trên cây ngô đồng, biết là gỗ quý, liền đốn cây đẽo thành đàn, dựa trên các nguyên lí vũ trụ mà thiết kế. Kĩ thuật chơi đàn cầm đặc biệt đa dạng, có khả năng biểu hiện nhiều sắc thái âm điệu phong phú.

    Trong văn hóa phương Đông, đàn cầm đứng đầu các loại nhạc cụ, tượng trưng cho đức hạnh của người quân tử. Chơi đàn cầm vừa được xem là một thú tiêu khiển tao nhã (cầm, kì, thi, họa), vừa được xem là phương tiện tu tâm dưỡng tính.

    Đàn cầm.

    Đàn cầm.

  23. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  24. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  25. Kén lừa
    Kén chọn.
  26. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  27. Me
    Con bê (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).