Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vịt tàu
    Loại vịt nhỏ, thịt không ngon, nuôi từng bầy lớn, đuổi chạy đồng vào mùa gặt.
  2. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  3. Quan viên
    Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
  4. Voọc
    Cũng phát âm thành vọc hoặc dộc, tên chung của một số loài khỉ lớn. Ở nước ta có voọc chân xám, chân đen, chân nâu…

    Voọc chà vá chân xám

    Voọc chà vá chân xám

  5. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  6. Già đời còn mang tơi chữa cháy
    Tơi làm bằng lá cây hoặc rơm rạ, rất dễ cháy. Mang tơi mà chữa cháy là việc làm vụng dại.
  7. Kiều khấu
    Bộ đồ trang sức cho con ngựa, gồm: hàm thiếc, nòng cổ, dây nịt lưng, dây cương, v.v. Bộ yên được trang trí phủ trên mình voi cũng gọi là kiều khấu.
  8. Văn tế
    Hay tế văn, một bài văn đọc lúc tế một người chết để kể tính nết, công đức của người ấy và tỏ lòng kính trọng thương tiếc của mình (theo Việt Nam văn học sử yếu - Dương Quảng Hàm).

    Đọc văn tế

    Đọc văn tế

  9. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  10. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  11. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  12. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  13. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  14. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  15. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  16. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  17. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  18. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  19. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  20. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  21. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  22. Vụng Đâng
    Một vụng biển nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  23. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  24. Ngộ
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  25. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  26. Khăng khắng
    Như khăng khăng (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  30. Bát Tràng
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ.

    Gốm sứ Bát Tràng

    Gốm sứ Bát Tràng

  31. Thành hoàng
    Cũng gọi là thần hoàng, vị thần được thờ trong các đình làng ở nước ta, được cho là người phù hộ, giúp đỡ cho làng đó. Thành hoàng có gốc từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Theo sách Việt Nam phong tục, mỗi làng phụng sự một vị Thành hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần. Phúc Thần có ba hạng: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần và Hạ Đẳng Thần.

    Tượng Thành hoàng

    Tượng Thành hoàng

  32. Kiêu Kỵ
    Tên một làng xưa thuộc phủ Gia Lâm, Hà Nội, nay là một xã thuộc huyện Gia Lâm. Làng rất giàu có, dân chúng ngoài việc nông trang còn có nghề làm vàng quỳ và mổ trâu bò. Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh: [...] làng giàu có, nên đình chùa làng rất khang trang.
  33. Về câu này, có cách giải thích như sau: Xã Bát Tràng ở trên bờ sông Nhị Hà, chuyên nghề làm gạch và đồ gốm, ngày xưa có tên là phường Bạch Thổ. Là dân phường công nghệ rất phồn thịnh nên trai Bát Tràng làm ăn nhàn nhã với đời sống sung túc. Tuy vậy xã này và vài xã khác quanh vùng không có đất canh tác và đất hoang. Trái lại xã Kiêu Kỵ có đất hoang rộng bát ngát tới ranh giới tỉnh Hưng Yên và bờ sông Nhị Hà. Vì vậy khi những xã kia có người từ trần, phải mai táng nhờ đất Kiêu Kỵ.
  34. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  35. Cà muối xổi
    Món ăn dân dã, thành phần gồm cà pháo trộn đều với muối, nước cốt chanh, riềng, tỏi, ớt, ướp trong khoảng 30 phút là dùng được.

    Cà muối xổi

    Cà muối xổi