Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ba làng Chảy, bảy làng La
    Ba làng Chảy gồm Phúc Lâm,Thượng Thụy và Ước Lễ, bảy làng La gồm La Cả, La Dương, La Nội, La Giang, La Phù, La Khê và La Tinh. Những làng này cặp theo bờ sông Nhuệ, nay thuộc địa phận quận Hà Đông, Hà Nội, xưa kia nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
  2. Làng Vòng
    Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.

    Cốm làng Vòng

    Cốm làng Vòng

  3. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  4. Mễ Trì
    Địa danh nay là một phường thuộc quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Mễ Trì ngày xưa có tên là Anh Sơn, là một vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ, nổi tiếng với giống lúa tám thơm. Theo dã sử, vua Lê Đại Hành là người đã đổi tên Anh Sơn thành Mễ Trì, nghĩa là "ao gạo."
  5. Bần Yên Nhân
    Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.

    Tương Bần

    Tương Bần

  6. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  7. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  8. Ngái
    Một loại cây thuộc họ dâu tằm, có tên khác là sung ngái, dã vô hoa. Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các bộ phận của cây ngái đều có tác dụng chữa bệnh.

    Cây ngái

    Cây ngái

  9. Ăn sung trả ngái
    Quả sung và quả ngái nhìn tương tự nhau, nhưng quả sung thì ăn được mà quả ngái thì không ăn được. Ăn quả sung mà lại trả quả ngái thì chẳng những là không biết ơn mà còn là đánh lừa người làm ơn cho mình. Câu này chê những người bất nhân, lấy oán trả ơn.
  10. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  11. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  12. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  13. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  14. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre

  15. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  16. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  17. Ân trượng nghĩa dày
    Ơn nặng nghĩa dày.
  18. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  19. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Bể
    Biển (từ cũ).
  22. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  23. Núi Bụt Mọc
    Cũng gọi là rú (núi) Bụt, tên chữ là Tiên Tích Sơn, một ngọn núi nằm trên địa bàn 3 xã Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga, thuộc địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lưng núi có tảng đá giống hình người, có vết lõm của bàn chân khổng lồ gọi là Tiên Tích. Trên núi có chùa Bụt Sơn nổi tiếng.
  24. Trụt
    Tụt (phương ngữ).
  25. Khe Giao
    Một làng nay thuộc xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  26. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Có bản chép: Chọc.