Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  2. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  3. Cói
    Còn gọi là cỏ lác, thường mọc hoang và được trồng ở vùng ven biển, nhiều nhất ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Cói cũng có thể mọc và trồng ở ven sông lớn. Tại miền Nam, cói mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười. Cây này được trồng để làm chiếu. Ở một số vùng, nhân dân đào lấy củ cói (thân rễ) về rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô làm thuốc.

    Cói

    Cói

  4. Ba Vát
    Còn gọi Ba Việt, địa danh gốc Khmer (Pears Watt, nghĩa là là chùa Phật). Vào thế kỷ XVIII, nơi đây là huyện lỵ của huyện Tân An - một trung tâm kinh tế khá phồn thịnh thời bấy giờ. Hiện nay Ba Vát là một thị trấn thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Do cách phát âm của người Nam Bộ, một số tài liệu địa danh này cũng được ghi thành Ba Giác.
  5. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  6. Ở đây chơi chữ "sầu riêng" để nói lên nỗi sầu muộn của cô gái.
  7. Chân trời góc biển
    Từ thành ngữ Hán Việt Thiên nhai hải giác, chỉ những nơi xa xôi.
  8. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  9. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  10. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  11. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  12. Vịnh
    Phần biển ăn sâu vào đất liền, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể.

    Vịnh Cam Ranh thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

    Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

  13. Thọ bệnh
    Mắc bệnh (từ Hán Việt).
  14. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  15. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  16. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  17. Đại Hữu
    Một làng nay thuộc địa phận xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được cho là nơi ra đời của Đinh Tiên Hoàng. Ở đây có núi Kỳ Lân, trên đỉnh núi có gò Bồ Đề, tương truyền là nền nhà của Đinh Bộ Lĩnh.
  18. Điềm Dương
    Cũng gọi là Điềm Giang, một làng nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là quê hương của thánh sư Không Lộ.
  19. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  20. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  21. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  22. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  23. Minh Giám
    Một ngôi làng thuộc huyện Vũ Tiên, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đây là quê hương của Phan Bá Vành, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Nguyễn đầu thế kỉ 19.
  24. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  25. Theo sử chép lại, vào năm Phan Bá Vành nổi dậy khởi nghĩa thì trên trời xuất hiện sao chổi (sao tua). Theo Trần tộc gia phả diễn âm:

    Đời vua Minh Mạng lên ngôi,
    Giữa năm Ất Dậu sao đuôi ngang trời.
    Bỗng đùng đùng bể khơi vang động,
    Giặc Ba Vành ngang dọc một phương...

  26. Hung tinh
    Ngôi sao xấu (từ Hán Việt), có thể gây ra tai hoạ cho con người, theo chiêm tinh học.
  27. Ba làng Trà Lũ
    Ba làng Trà Trung, Trà Bắc và Trà Đoài (ba thôn Trung, Bắc, Nam) thuộc huyện Giao Thủy, xã Xuân Trường, trấn Nam Định, nay là xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nơi nghĩa quân của Phan Bá Vành rút về cố thủ khi bị quân triều đình đàn áp.
  28. Nhánh cây.
  29. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  30. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  31. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  32. Lúa Ba Trăng
    Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
  33. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu