Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bụ
    (Nói về trẻ con) mập mạp, đẫy đà.
  2. Cậy
    Cũng gọi là cây thị sen hoặc cây mận chà là, loại cây gỗ nhỏ thường gặp ở miền Bắc, thuộc họ thị, vỏ màu hơi đen, nhánh non có lông. Quả phơi khô dùng ăn và được dùng làm thuốc giải nhiệt. Nhựa cây cậy có chất dính, thường dùng để phết dán quạt giấy.

    Cậy

    Cậy

  3. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  4. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  5. Rọ
    Tên gọi chung cho các dụng cụ đan bằng tre, nứa để đựng đồ, hay để nhốt, đánh bẫy thú.

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

  6. Hàng dệt bằng tơ nõn, thưa và mỏng, thường được nhuộm đen.
  7. Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia, ăn uống qua loa, ấy là cán bộ
    Mô tả hài hước cán bộ cấp thấp ("cán bộ quèn") thời bao cấp. "Xe cố vấn" tức là xe đạp vỡ, gãy, phải vấn (quấn) lại. Áo "chuyên gia" nghĩa là áo rách hở cả da thịt.
  8. Chèo
    Một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tiêu biểu của nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người sáng lập chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo dùng cách nói ví von luyến láy, thường có nội dung lấy từ các truyện cổ tích, truyện nôm, mô tả cuộc sống của người dân. Nhạc cụ được dùng trong chèo gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, các loại trống, chũm chọe...

    Xem vở chèo Hề cu Sứt do nghệ sĩ Xuân Hinh trình diễn.

  9. Làng Khuốc
    Một làng nay là xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, cùng với với Hà Xá (Hưng Hà) và Sáo Diền (Vũ Thư) là những chiếng chèo nổi tiếng của Thái Bình. Những năm đầu thế kỷ thứ 19, có lúc trong làng có đến 15 gánh hát chèo. Chèo diễn quanh năm suốt tháng, không chỉ được biểu diễn ở trong làng mà gánh hát chèo còn đi đến các vùng miền khác biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong tổng số 151 làn điệu và ca khúc chèo thì riêng các phường chèo Thái Bình đã chiếm 30 ca khúc và bốn kiểu hát nói. Trong số 155 nghệ sỹ chèo là người Thái Bình trong các đoàn chèo cả nước thì riêng làng Khuốc có 50 người.
  10. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  11. Da mồi tóc sương
    Da lốm đốm những chấm màu nâu nhạt như mai con đồi mồi, tóc bạc như sương tuyết; đây là hình ảnh để tả người già (cũng có cách nói da mồi tóc bạc, tóc bạc da mồi).

    Da đồi mồi

    Da đồi mồi

  12. Cao su
    Một loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cho nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên. Cao su tự nhiên là một chất liệu rất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, dùng để sản xuất ra rất nhiều thành phẩm dùng trong đời sống. Trong thời gian đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, bắt dân đi phu dài hạn, đối xử gần như nô lệ. Tên gọi cao su bắt nguồn từ tiếng Pháp caoutchouc.

    Khai thác nhựa cao su

    Khai thác nhựa cao su

  13. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  14. Lang
    Cách gọi cũ của người làm nghề thầy thuốc, thường là Đông y.
  15. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  16. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  17. Phú Phong
    Một địa danh nay là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
  18. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  19. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  21. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Quỳnh tương
    Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tươngdịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

    (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)

  23. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.