Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  2. Có bản chép: Đẹp duyên.
  3. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  4. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  5. Có ý kiến cho rằng câu ca dao này đả kích Bùi Thức Kiên, tổng đốc Hà Nội năm 1873, vì đã thả bọn lính cờ vàng đi theo tên cướp nước Francis Garnier và bắt giam quân nghĩa dũng của Văn thân Hà Nội tự động lập ra để chống thực dân Pháp.
  6. Kim Bồng
    Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).

    Làng mộc Kim Bồng

    Làng mộc Kim Bồng

  7. Ốc nhồi
    Còn gọi là ốc đồng, điền loa, loại ốc hay gặp ở các ao, ruộng vùng đồng bằng, trung du. Ốc nhồi có vỏ tương đối lớn, mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hoặc nâu đen, mặt trong hơi tím. Lỗ miệng dài hẹp, tháp ốc vuốt nhọn, có 5,5 - 6 vòng xoắn, các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắn nông, các vòng xoắn trên nhỏ dần, vuốt nhọn dài. Ốc nhồi là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn dân dã như ốc xào, bún ốc, canh ốc hay những món đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi hấp sả.

    Ốc nhồi

    Ốc nhồi

  8. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  9. Kẻ ăn rươi, người chịu bão
    Rươi thường xuất hiện trước khi có mưa bão. Khi có rươi, chỉ có một số ít người được ăn (tự đánh bắt hoặc mua), nhưng tất cả mọi người phải chịu chung cảnh mưa bão ấy.
  10. Thập điện Diêm vương
    Mười vị thần cai quản cõi chết và phán xét con người ở âm phủ căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống, theo Phật giáo. Thập điện Diêm vương gồm có: Nhất điện: Tần Quảng Vương, Nhị điện: Sở Giang Vương, Tam điện: Tống Đế Vương, Tứ điện: Ngũ Quan Vương, Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử, Lục điện: Biện Thành Vương, Thất điện: Thái Sơn Vương, Bát điện: Đô Thị Vương, Cửu điện: Bình Đẳng Vương, và Thập điện: Chuyển Luân Vương. Ở nước ta tranh và tượng Diêm Vương thường được bố trí trong chùa, thường được xếp thành hai hàng, mỗi bên năm vị.
  11. Thiên tri quỷ thần
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thiên tri quỷ thần, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Văn tế
    Hay tế văn, một bài văn đọc lúc tế một người chết để kể tính nết, công đức của người ấy và tỏ lòng kính trọng thương tiếc của mình (theo Việt Nam văn học sử yếu - Dương Quảng Hàm).

    Đọc văn tế

    Đọc văn tế

  13. Văn bia
    Một bài văn vần được khắc lên một tấm đá đúc với ý xưng tụng, kỉ niệm hoặc đánh dấu.

    Văn bia đề tên tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727)

    Văn bia đề tên tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727)

  14. Khôn văn tế, dại văn bia
    Văn tế thường được viết ra giấy để đọc trong đám tang, xong rồi đốt đi nên không ai nhớ. Văn bia khắc lên đá nên khó mất, phải chịu nhiều đàm tiếu thế gian.
  15. Văn ai
    Bài văn khóc thương người chết.
  16. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  17. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  18. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  19. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  20. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

  21. Sún
    Trẻ chưa có răng, cha mẹ thường nhai thức ăn cho mềm rồi mớm vào mồm trẻ. Cũng nói: chim mẹ sún mồi cho con.
  22. Chừng ni
    Chừng này (phương ngữ miền Trung).
  23. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  24. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  25. Siết cạnh
    Nghiêm khắc.
  26. Roi song
    Roi làm bằng cây song, một loại cây họ gỗ, giống cây mây nhưng to và dài hơn. Đánh bằng roi song rất đau. Thời xưa khi tra tấn người ta còn đánh bằng roi song ngâm muối.

    Cây song

    Cây song