Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  3. Lầu Ông Hoàng
    Một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một biệt thự do một ông hoàng người Pháp tên là Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I, xây để nghỉ mát khi qua đây du lịch vào năm 1911. Địa danh này còn gắn liền với cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.

    Tòa nhà đã bị đánh sập hoàn toàn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh, hiện nay gần như không còn dấu tích.

    Phế tích lầu Ông Hoàng

    Một lô cốt Pháp xây gần nền Lầu Ông Hoàng cũ

  4. Ba Hộ
    Tên khác của làng An Hải, nằm bên tả ngạn sông Cà Ty. Hiên nay làng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  5. Tương truyền khi lầu Ông Hoàng xây xong thì làng Ba Hộ mắc bệnh dịch, sau đó là lụt lội làm chết rất nhiều người. Dân gian cho rằng chính ông Hoàng đã gây nên tai vạ ấy.
  6. Dưa khú
    Dưa muối lâu bị thâm lại và có mùi, ăn dở hoặc không ăn được.
  7. Lại Đà
    Một làng nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xưa làng có tên là trang Cối Giang, thuộc tổng Cối Giang (sau đổi thành Hội Phụ vì kị húy tên chúa Trịnh Cối) nên tục cũng gọi là làng Cối (Cói). Làng xưa có nghề làm bỏng gạo và trồng rau cần, nên lại cũng được gọi là Cói Bỏng hay Cói Cần.
  8. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  9. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  10. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  11. Song le
    Nhưng mà (từ cũ).

    Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
    Gác tình duyên cũ chẳng đường trông
    Song le hương khói yêu đương vẫn
    Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  12. Kiều Sáo
    Một làng nay thuộc địa phận xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
  13. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  14. Vu quy
    Về nhà chồng.
  15. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  16. Hòn Vọng Phu
    Hai khối đá, một cao, một thấp trông giống một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa trên đỉnh núi Bà, thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

    Núi Bà ở Bình Định

    Núi Bà ở Bình Định, trên đỉnh là hòn Vọng Phu.

  17. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  18. Cù lao Xanh
    Cách thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định chừng 13 hải lý về phía Đông Nam, Cù lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu ở phía Đông Nam của Quy Nhơn. Đảo có diện tích 365 ha, gồm các thôn: thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông. Đảo cách Sông Cầu - Phú Yên 6 km, được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

    Năm 1890, người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng sớm nhất và hiện đại nhất Đông Dương. Hải đăng cao 118 m so với mực nước biển. Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh trông như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống, còn bãi sau toàn đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm.

    Cù lao Xanh ở Bình Định

    Cù lao Xanh ở Bình Định

  19. Bí ngô
    Một giống bí cho quả tròn, khi chín thịt có màu đỏ hoặc vàng cam, dùng để nấu canh. Tùy theo vùng miền mà người ta gọi là bí ngô, bí đỏ, hoặc bí rợ.

    Bí đỏ

    Bí đỏ

  20. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.
  21. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  22. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  23. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  24. Làm như khách chìm tàu
    Làm xí xô xí xào, làm ra tiếng ồ ào, kêu la inh ỏi, như người Ngô chìm tàu, có nghĩa là làm tâng bầng vỡ lở, dấy tiếng om sòm, rần rần. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  25. Chòi
    Với lên cao.
  26. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  28. Lịnh
    Lệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  30. Gia nương
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  31. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).