Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  2. Cá bầu eo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá bầu eo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  3. Nồm
    Thời tiết ấm và ẩm ướt (giao giữa cuối đông và đầu xuân, thường ở miền Bắc).
  4. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  5. Giá
    Lạnh buốt.
  6. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  7. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  8. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  9. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  10. Có bản chép: "Có nhân nghĩa mới quên tình người xưa".
  11. Lườn
    Phần thịt ở hai bên ngực và bụng chim, gà, cá.
  12. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  13. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  14. Thông
    Màu lam tối nhạt.

    Khăn màu thông.

    Khăn màu thông.

  15. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  16. Thắt thẻo
    Bồi hồi, khắc khoải, bồn chồn trong lòng (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Xuyến
    Vòng trang sức bằng vàng, ngọc, thường đeo ở cổ tay.
  18. Bâu
    Cổ áo.
  19. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  20. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  21. Lương
    Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
  22. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  23. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  24. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  25. Tương truyền thuở thiếu thời, trước khi được vua Nghiêu của nhà Đường Nghiêu truyền ngôi cho, ông Thuấn thường phải đi cày đất làm ruộng ở Lịch Sơn, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
  26. Chu Mãi Thần
    Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.

    Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.

    Vở chèo Tuần ti đào Huế.

  27. Phạm Trọng Yêm
    Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc. 
  28. Hàn Tín
    Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương LươngTiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.

    Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.

  29. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
  30. Phủ Thừa Thiên
    Tên một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương thời nhà Nguyễn, bắt đầu dưới triều Minh Mạng, nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế với thủ phủ là thành phố Huế.
  31. Chơi chữ, "Thừa" nghĩa là "dư," còn "Thiên" tiếng Hán Việt 天 nghĩa là "trời." Thừa Thiên vì vậy nghĩa là "trời dư."
  32. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  33. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  34. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  35. Tre lướt cò đậu
    Tre ngã lướt xuống, cò lại đậu lên trên. Nhân lúc người ta gặp nguy nan mà làm hại. Câu này có nghĩa tương tự như Giậu đổ bìm leo.