Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  3. Chỉ lần tiến quân ra Bắc lần thứ nhất (1786) của Nguyễn Huệ với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh." Đến ngày 17 tháng 7 nhuận (9-9-1786) thì nghĩa quân Tây Sơn lại kéo quân về Nam, lặng lẽ êm đềm, người trong thành không một ai hay biết.
  4. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  5. Chỉ lần tiến quân ra Bắc lần thứ hai (1788 - 1789) của Nguyễn Huệ, đại phá 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh.
  6. Sứ
    Còn gọi là hoa đại, hoa Champa, rất phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Trong các câu chuyện dân gian, cây đại được cho là nơi trú ẩn của ma, quỷ.

    Hoa sứ trắng

    Hoa sứ trắng

  7. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  8. Hào
    Giỏi, tài trí hơn người.
  9. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  10. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  11. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  12. Ải lao
    Cửa ải giáp nước Ai-Lao (Lào); nghĩa rộng là nơi hẻo lánh xa xôi. (Từ điển văn liệu - Long Điền Nguyễn Văn Minh)
  13. Trà Kiệu
    Một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Là kinh đô của vương quốc Champa cổ, hiện nay ở Trà Kiệu vẫn còn lưu giữ các di chỉ, di tích khảo cổ quan trọng: thành cổ Trà Kiệu, đền, tượng, bệ thờ, phù điêu...

    Thành cổ Trà Kiệu

    Thành cổ Trà Kiệu

  14. Mã Châu
    Một làng cổ (hình thành từ thế kỷ 15) bên cạnh kinh đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm-pa cổ, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xưa kia làng có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.
  15. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  16. Tiểu
    Lọ nhỏ bằng sành, thường dùng để đựng tro cốt người chết sau khi hỏa táng.
  17. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  18. Chữ thọ và hoa hồi là chữ và họa tiết trang trí trên bàn thờ.
  19. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  20. Quánh
    Đánh (phương ngữ Trung và Nam Bộ, cũng như quýnh).
  21. Dương
    Còn gọi là cây phi lao (từ gốc tiếng Pháp filao), một loại cây mọc nhiều dọc theo các bờ biển nước ta. Phi lao có vai trò rất lớn trong việc chắn cát, giữ cho các làng ven biển khỏi bị sa mạc hoá.

    Hàng phi lao ven biển

    Hàng phi lao ven biển

  22. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  23. Lựa là
    Chẳng cần gì, chẳng cứ gì (từ cũ). Cũng như lọ là.
  24. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  25. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  26. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  27. Không làm gì, chỉ ở ngoài cuộc nhưng khi công việc xong xuôi lại tỏ ra mình cũng có công.