Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tánh tình
    Tính tình (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  2. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  3. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  4. Thập tam trại
    Tên gọi chung chỉ 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long, gồm có Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Đại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc (Vĩnh Phúc), Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ. Tương truyền, các làng này được lập nên thời vua Lý Nhân Tông, bởi công của dũng sĩ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật, đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long.
  5. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  6. Kinh quán
    (Dân) ở nơi kinh đô.
  7. Cựu quán
    (Dân) ở nơi làng cũ.
  8. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  9. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân thập tam trại rủ nhau tấp nập về làng Lệ Mật (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để tỏ mối tình ruột thịt với dân làng cổ và nhất là với họ hàng thân thuộc.
  10. Điêu Thuyền
    Một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví như "bế nguyệt" (khiến trăng xấu hổ phải giấu mình đi). Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Vương Doãn lập kế gả Điêu Thuyền cho Đổng Trác hòng li gián Trác với con nuôi là Lã Bố, kết cục Lã Bố giết Đổng Trác rồi sau lại bị Tào Tháo giết chết. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhân vật Điêu Thuyền trong lịch sử vẫn còn nhiều hoài nghi.

    Điêu Thuyền

    Điêu Thuyền

  11. Đổng Trác
    Một tướng nhà Hán đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người chuyên quyền, tham lam, tàn bạo và hiếu sắc. Tháng 4 âm lịch năm 192, khi vào cung yết kiến vua Hiến Đế, ông bị con nuôi là Lã Bố cho quân mai phục giết chết. Tin Đổng Trác bị giết truyền ra ngoài thành, mọi người đều reo hò vui mừng, cùng nhau ca hát. Xác ông bị bêu ở chợ, thân thể quá to béo nên mỡ chảy đầy đường. Nhân dân lấy bấc cắm vào rốn châm lửa cho cháy làm đèn, cháy mấy ngày mới tắt.

    Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả La Quán Trung hư cấu chi tiết quan tư đồ Vương Doãn dùng Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế để li gián cha con Đổng Trác-Lã Bố.

  12. Lã Bố
    Cũng gọi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên, một tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ở nước ta, Lã Bố được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trong đó ông là một đại tướng vô cùng dũng mãnh, cưỡi ngựa Xích Thố, cầm phương thiên họa kích, có sức mạnh hơn cả Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Ông cũng được mô tả là một người khôi ngô tuấn tú, sánh cùng đại mĩ nhân là Điêu Thuyền.

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

  13. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  14. Một chọi một lên cột đồng hồ
    Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "điểm hẹn" đánh nhau của thanh niên Hà Nội ngày xưa là cột đồng hồ ở giao lộ Hàng Muối, Hàng Chĩnh... nay là nút giao thông cầu Chương Dương. Có thể đó chỉ là địa điểm trước 1954, vì theo Nguyễn Ngọc Tiến trong Đi dọc Hà Nội: "Trước khi khánh thành cầu Long Biên, đốc lý Pretre Charles (giữ chức vụ này từ ngày 1.8.1901 đến 21.11.1901) cho lắp chiếc đồng hồ ngoài trời đầu tiên ở đầu phố Hàng Đậu, tiếp đó ở quảng trường Đông Kinh nghĩa thục hiện nay, rồi Cửa Nam, cổng Bảo tàng Lịch sử, ngã tư Sở... [...] Từ sau 1954, an ninh trật tự rất nghiêm ngặt, cứ có đánh nhau là dân đi báo công an và công an bắt cả vào đồn. Cột đồng hồ đầu phố Hàng Đậu lúc nào cũng đông đúc người qua lại và cạnh đó có bốt công an gác cầu nên thanh niên không bao giờ đánh nhau ở đây. Địa điểm hẹn đánh nhau chính là cột đồng hồ trước Bảo tàng Lịch sử, khu vực này không có nhà dân lại thưa vắng người qua lại."

    Cột đồng hồ ở phố Hàng Muối đầu thế kỉ 20

    Cột đồng hồ ở phố Hàng Muối đầu thế kỉ 20

  15. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  16. Gá bạc
    Tổ chức đánh bạc.
  17. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  18. Phác ngọc tối trân quân nghi vi thạch
    Ngọc đá quý vô cùng mà người (còn) ngờ là đá.
  19. Cao dương tuy mỹ chúng khẩu nan điều
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, nghĩa là "thịt dê tuy ngon nhưng khó mà nêm nếm cho vừa miệng nhiều người."
  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  22. Lê Thần Tông
    Tên húy là Lê Duy Kỳ, vị vua thứ 6 của nhà Lê trung hưng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là một vị vua "thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi."

    Ông ở ngôi vua hai lần, lần thứ nhất qua các niên hiệu Vĩnh Tộ, Đức Long, Dương Hòa, lần thứ hai là Khánh Đức, Vạn Đức, Vĩnh Thọ và Vạn Khánh.

  23. Lê Huyền Tông
    Vị vua thứ 8 thời Lê trung hưng trong lịch sử nước ta. Ông lên ngôi tháng 10 năm Nhâm Dần (1662), khi mới 8 tuổi, hiệu là Cảnh Trị. Ở ngôi được 9 năm thì ông mất khi mới 17 tuổi.
  24. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  25. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  26. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  27. Phạm Công
    Tức Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, thân phụ của bà Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế.

    Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch, bấy giờ còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Quyết không để rơi vào tay giặc, bà đã nhảy xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh, nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm  Thị Uyển trong đền Dục Anh

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong đền Dục Anh

  28. Phò
    Phù trợ, phù hộ (từ Hán Việt).
  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  30. Mật mỡ đỡ đứa vụng
    Dụng cụ, nguyên liệu đầy đủ thì dù vụng về cũng làm nên.
  31. Kì đà
    Còn gọi là cái đà, một loài bò sát giống thằn lằn, toàn thân phủ vảy, có cổ dài, đuôi và chân khỏe. Những năm gần đây, kì đà bắt đầu được nuôi để lấy thịt.

    Kì đà

    Kì đà

  32. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  33. Đồng hồ
    Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.

    Đồng hồ ngày xưa

    Đồng hồ ngày xưa

  34. Tố nữ
    Người con gái đẹp. Tố nghĩa hẹp là màu trắng nõn, nghĩa rộng chỉ phẩm hạnh cao đẹp. Theo Thiều Chửu: Nói rộng ra phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả.