Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngoải
    Ngoài đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  3. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  4. Ba lần giặc tan
    Ba chiến thắng lớn diễn ra trên sông Bạch Đằng: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên (năm 1288).
  5. Lam Sơn
    Tức núi Chàm, một ngọn đồi cao 62 mét thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Sơn còn là tên gọi chỉ vùng đất xung quanh núi Chàm, nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
  6. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  7. Ngàn
    Rừng rậm.
  8. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  9. Chiêm, mùa
    Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
  10. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  12. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  13. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  14. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  15. Nói lái thành "cùi liền."
  16. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  17. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  18. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  19. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  21. Sông Bứa
    Một con sông chảy qua các tỉnh Sơn La, Phú Thọ rồi đổ ra sông Thao. Trước đây trên sông này có nhiều cá măng.

    Một khúc sông Bứa

    Một khúc sông Bứa

  22. Sông Thao
    Tên gọi của sông Hồng, đoạn từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến "ngã ba sông" ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô và sông Đà đổ vào sông Hồng. Sông Thao gắn liền với những chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
  23. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  24. Cỏ ngựa
    Còn gọi là cỏ roi ngựa, một loại cây lâu năm, thân mảnh, cao chừng 1m, có hoa nhỏ màu tím nở thành cụm. Cây có thể dùng làm thuốc.

    Cỏ roi ngựa

    Cỏ roi ngựa

  25. Cựa ngọ
    Cửa ngõ (nói theo giọng Nghệ An - Hà Tĩnh).
  26. Con nây
    Con nai (nói theo giọng Nghệ An - Hà Tĩnh).
  27. Xoàn
    Kim cương (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  29. Lá bàng tai trâu, sầu đâu chân chó
    Chỉ quãng thời gian mùa xuân từ tháng hai trở đi. Theo Vũ Bằng: Trên các cành bàng, lá non hé mở và cuốn lại, chưa bung ra hết, y như thể tai trâu, còn cây sầu đâu thì từ khoảng này cũng trổ lá non nhưng nhúm lại với nhau thành một hình tròn như vết chân con chó để lại trên mặt đất, sau một đêm mưa tuyết (Thương nhớ mười hai).
  30. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng