Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chùa Tích
    Tức chùa Phật Tích (Phật Tích tự 佛跡寺) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.

    Một góc chùa Phật Tích

    Một góc chùa Phật Tích

  2. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  3. Đông Phước
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi bắt đầu sông Bí, một nhánh của sông Trà Bồng.
  4. Tham Hội
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  5. Châu Me
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Châu Me là tên một con sông ở Quảng Ngãi, chảy ra biển Đông bằng cửa Sa Kỳ, đồng thời là tên một cái chợ tập nập, là đầu mối gom hàng để bán cho ngư dân và cho những thương thuyền.
  6. Làng Sông
    Cũng gọi là kẻ Sông, nay là một thôn thuộc địa phận xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, là quê cha của vua Lê Đại Hành. Làng có tên như vậy vì trước đây nằm cạnh một con mương lớn.
  7. Hạ bạn
    Ruộng thấp, chốn đồng bằng (từ Hán Việt).
  8. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  9. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  10. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  11. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  12. Cha mẹ quê quán ở đâu, anh chị em nhiều hay ít.
  13. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  14. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  15. Phu xe
    Người làm nghề kéo xe tay trước đây, nhất là trong thời Pháp thuộc. Đây là một nghề cực khổ, nhọc nhằn, bị xã hội khinh rẻ.

    Phu xe

    Phu xe

  16. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  17. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  18. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  19. Có bản chép: rầm rầm.
  20. Khi hát bài chòi, hai câu này được dùng để báo con Ông Ầm.
  21. Tứ hải
    Bốn biển (người xưa cho rằng bốn mặt xung quanh đất liền là biển cả), dùng để nói chung cả thiên hạ.
  22. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  23. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  24. Nhượng Bạn
    Một làng cá đã hơn một trăm năm tuổi, nay thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Dân ở đây không chỉ có tài ra khơi vào lộng, đánh cá giỏi mà còn có nghề chế biến mắm ruốc nổi tiếng. Nhượng Bạn có nghĩa là “bờ đất nhường” bắt nguồn từ truyền thuyết về đời Trần: Hồi ấy vì làng bị lấn chiếm, bà cung nhân Hoàng Căn người làng này bày mẹo lập bia dựng mốc ở nơi địa giới cũ, ít lâu sau phát đơn kiện kêu quan và đã giành lại được phần đất bị lấn chiếm.

    Vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm, ở đây có lễ hội cầu ngư, từ ngày rằm đến 30/6 lại có hội đua thuyền.

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn