Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  2. Hồ Trúc Giang
    Một cái hồ hình chữ nhật, rộng khoảng 2 ha, nằm giữa thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre ngày nay, cũng có tên là hồ Chung Thủy. Tương truyền rằng xưa có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng không đến được với nhau, đã cùng nhảy xuống hồ tự vẫn. Cảm thương cho đôi tình nhân ấy, dân gian đặt tên cho hồ là Chung Thủy. Thật ra hồ là do thực dân Pháp đào để lấy đất.

    Hồ Trúc Giang

    Hồ Trúc Giang

  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Chợ phiên Cam Lộ
    Gọi tắt là chợ Phiên, một phiên chợ ở thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị. Trước đây, chợ phiên Cam Lộ được xem là một trung tâm thương nghiệp lớn có tiếng ở Quảng Trị, nhóm họp cách 5 ngày, vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng. Theo hồi ức của một số bô lão ở làng Cam Lộ, chợ đã được dời qua nhiều địa điểm khác nhau: trước thế kỷ 19, chợ nhóm họp ở Tân Tường (km 15 của Đường 9), về sau chuyển về Bến Đuồi, bên bờ sông Hiếu. Từ khi được chuyển về Bến Đuồi, chợ được mở mang, xưng danh là Tiểu Trường An. Chợ là nơi quy tụ hàng hóa, đặc sản từ khắp các nơi: Huế, Quảng Bình, Lào... Thậm chí thuyền buôn của Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... vào Cửa Việt cũng đến đây giao thương.

    Chợ phiên Cam Lộ

    Chợ phiên Cam Lộ

  5. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo

  6. Tàu seo
    Một dụng cụ làm giấy dó, chỉ chỗ đựng nước có pha chất keo thật loãng. Người thợ thủ công dùng một cái liềm - một thứ lưới nhỏ mắt đan bằng nứa đặt vào một khuôn gỗ - đem khuôn láng nước bột dó rồi nhúng vào tàu seo, chao đi chao lại cho thành hình tờ giấy.

    Làm giấy dó

    Làm giấy dó

  7. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  8. Có bản chép: Nước sông Tiền vừa trong vừa mát.
  9. Lợn bột
    Lợn đã bị hoạn (thiến), nuôi để lấy thịt.
  10. Châu Thị Tế
    (1766-1826) Có sách chép Châu Thị Vĩnh Tế, vợ chính của Thoại Ngọc Hầu. Quê bà ở làng Quới Thiện, nằm trên Cù Lao Dài trên sông Cổ Chiên. Khi gia đình Nguyễn Văn Thoại chạy loạn vào Nam, định cư ở Cù Lao Dài, quen biết và hỏi cưới bà năm 1788. Bà nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của chồng. Trong công cuộc khai phá bờ cõi, xây đường, đặc biệt là công trình đào kênh nối liền Châu Đốc - Hà Tiên, bà cũng góp sức lớn trong việc đôn đốc, quản lí. Để ghi công trạng, vua Minh Mạng đã lấy tên bà đặt cho công trình, nay là kênh Vĩnh Tế. Bà được chôn cất trong lăng mộ của Thoại Ngọc Hầu tại Núi Sam, Châu Đốc, cũng gọi là Vĩnh Tế Sơn.
  11. Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm: Theo cụ Tùng Lâm, câu này do đám dân chài làng Quảng Tế, huyện Hương Trà đặt ra để nhắc lại sự tích ông Huỳnh Hữu Thường, con một ngư phủ, mà biết chăm lo việc học hành, thi đỗ Cử nhân, rồi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Thượng thư. Vua Tự Đức rất mến ông, nhận thấy làng ông không có đất đai chi cả, bèn hạ chỉ cắt 20 mẫu đất làng Nguyệt Biều giao cho làng Quảng Tế để có đất cho dân cư ngụ, trồng trỉa và xây cất đền chùa.
  12. Ba Vát
    Còn gọi Ba Việt, địa danh gốc Khmer (Pears Watt, nghĩa là là chùa Phật). Vào thế kỷ XVIII, nơi đây là huyện lỵ của huyện Tân An - một trung tâm kinh tế khá phồn thịnh thời bấy giờ. Hiện nay Ba Vát là một thị trấn thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Do cách phát âm của người Nam Bộ, một số tài liệu địa danh này cũng được ghi thành Ba Giác.
  13. Áo tố
    Áo màu trắng.
  14. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  15. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  16. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  17. Nhởi
    Chơi (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Chàng làng
    Loại chim nhỏ, khá hung dữ, mỏ hình móc câu, khỏe, thường đậu chỗ trống hoặc trên cao. Chim ăn côn trùng, sinh vật nhỏ hoặc chim nhỏ, non, thậm chí ếch nhái, chuột nhỏ. Chúng có tiếng hót khá đa dạng, có thể nhại được tiếng các loài chim khác nên còn gọi là bách thanh điểu.

    Chàng làng vằn

    Chàng làng vằn

  19. Nỏ mần chi
    Chẳng làm gì (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Chàng làng
    Còn được gọi là chim bách thanh, thằn lằn chó, hoặc chim quích. Gồm 12 loài khác nhau, có chiều dài thường từ 19cm đến 25cm. Mỏ hình móc câu, khỏe. Thức ăn là côn trùng, có khi ăn cả chim nhỏ, ếch nhái, chuột nhỏ. Chàng làng có tập tính treo thức ăn lên cành cây hoặc bụi cây có gai. Có người cho rằng chúng làm vậy nhằm để dành thức ăn. Lại có người cho rằng, qua quan sát tỉ mỉ, họ nhận thấy chúng làm vậy chẳng qua theo thói quen, không phải để dành dụm, vì sau đó chúng không động đến những thức ăn đã treo nơi đó. Chàng làng có tiếng hót khá đa dạng, chúng có thể học và nhại lại tiếng hót của một số loài chim khác.

    Chim chàng làng

    Chim chàng làng

  22. Lác chác
    Om sòm, ồn ào (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  23. Trim trỉm
    Im lặng, tầm ngầm (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  24. Nén
    Đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương 378 gram. Một nén bằng mười lạng, một lạng bằng 10 đồng.
  25. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  26. Quới
    Quý (phương ngữ Nam Bộ). Như quới nhơn, quới nương, quới tử... Cách nói này hiện nay ít dùng.
  27. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  28. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  29. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần