Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  2. Có bản chép: Dế ngậm sầu.
  3. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  4. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  5. Đền A Sào
    Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên thật Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương), thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền còn được gọi là A Sào linh miếu, Đệ nhị sinh từ, hay đền Gạo (do làng A Sào xưa có tên nôm là làng Gạo). Đền nằm trong thái ấp của Trần Liễu, phụ thân Trần Hưng Đạo.

    Địa danh A Sào gắn liền với vương triều Trần và chiến tích ba lần đại phá quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285, và 1288. Hàng năm, dân làng mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo.

     

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

  6. Bồ Nâu
    Đọc trại là Bù Nâu, một cánh đồng rộng hàng trăm mẫu, ngày nay thuộc làng Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúa cấy trên cánh đồng Bồ Nâu cho thứ gạo tuyệt ngon, ngày xưa chuyên dùng để tiến vua.
  7. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  8. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam thì câu thành ngữ này chỉ việc "mưa trút xuống cánh đồng Bồ Nâu bao giờ cũng muộn hơn ở các cánh đồng khác. Chính chất đất tốt cộng với tiểu khí hậu đặc biệt này đã làm cho gạo Bồ Nâu có một giá trị đặc biệt."
  9. Cạn sợt
    Rất cạn (sợt là từ mô tả cấp độ nhẹ, như sợt qua, sợt da...)
  10. Mỹ An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
  11. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  12. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  13. Khái
    Con hổ.
  14. Lòi
    Lùm cây, bụi rậm (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  15. "Xanh cọng, nóng nác" chỉ việc luộc rau chưa chín. Cả câu ý nói hấp tấp, thiếu chín chắn thì dễ gặp tai vạ.
  16. Chọc
    Trêu ghẹo (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Thiệt tình
    Thật tình, thành thật (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Nhà diêm
    Nhà máy làm diêm quẹt ở Đáp Cầu, Bắc Ninh.
  19. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  20. Bạn điền
    Bạn nhà nông.
  21. Trong đình chùa Việt Nam thường có con rùa đá đội hạc hoặc văn bia.

    Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu

    Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu

  22. Đền Sòng Sơn
    Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
  23. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  24. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  25. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  26. Chợ Giã
    Tên một cái chợ nay thuộc thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.