Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngon mồm ôm bụng
    Ăn uống quá độ thì mang hại vào thân.
  2. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  3. Tục xưa, khi khách đến nhà thì chủ trải chiếu và tem trầu mời khách.
  4. “Lật đật” chỉ dáng vẻ vội vã, tất tả, như lúc nào cũng sợ không kịp.
  5. Chắc Cà Đao
    Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Có hai giải thích về địa danh này:

    1. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao là do chữ Prek Pédao (Prek: rạch; Pédao: một loại dây mây), nghĩa là con rạch có nhiều dây mây.

    2. Theo ông Nguyễn Văn Đính, địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng này xưa kia có nhiều cua. Học giả Vương Hồng Sển cho rằng cách giải thích này có lí hơn.

  6. Từ Hải
    Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:

    Trơ như đá, vững như đồng,
    Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

  7. Giếng thơi
    Giếng sâu.

    Giếng thơi mưa ngập nước tràn
    Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.

    (Qua nhà - Nguyễn Bính)

  8. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  9. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  10. Quan Công
    Tên thật là Quan Vũ, tự là Vân Trường, Trường Sinh, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Công là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất ở Đông Á, hình ảnh của ông được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v. Ông được biểu tượng hóa thành hình mẫu con người trung nghĩa, chính trực, được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hồng Kông.

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt, có lúc cưỡi ngựa xích thố

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây Thanh Long Yển Nguyệt đao, có lúc cưỡi ngựa Xích Thố

  11. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  12. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  13. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  14. Dư đồ
    Bản đồ địa lí (từ Hán Việt).
  15. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  16. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  17. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  18. Một bồn hai kiểng
    Một chậu trồng hai cây cảnh.

    Cây kiểng

    Cây kiểng

  19. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) thì: Cá Thị Nại, Triều Châu ngon không thua cá nước ngọt. Có tiếng ngon nhất là cá nục. Giống cá này có nhiều thứ, được ưa chuộng nhất là cá nục vọng, bị “hất hủi” là cá nục gai. Vì vậy, để bênh vực cá nục gai các chị bán cá vừa bán vừa hát [bài ca dao này].

    Cá nục

    Cá nục

  20. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  21. Đưng
    Một loại cây cỏ thân cao cùng họ với cỏ lác, cỏ bàng, có thân cắt ngang hình tam giác, mọc nhiều ở các vùng đầm lầy ngập mặn.

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

  22. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  23. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  24. Được mùa lúa úa mùa cau
    Những năm khô hạn cau thường sai quả (cau là loại cây chịu hạn), nhưng lại không phù hợp với sự sinh trưởng và phát dục của cây lúa nước. Vì vậy những năm được mùa lúa thì thường mất mùa cau, và ngược lại.
  25. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay