Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Da mồi tóc sương
    Da lốm đốm những chấm màu nâu nhạt như mai con đồi mồi, tóc bạc như sương tuyết; đây là hình ảnh để tả người già (cũng có cách nói da mồi tóc bạc, tóc bạc da mồi).

    Da đồi mồi

    Da đồi mồi

  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Được cãi cùng, thua cãi cố
    Tâm lí chung trong các cuộc tranh luận: Bên nắm được lí lẽ, phần thắng thì muốn làm cho tới nơi; phía đuối lí, ở vào thế thua, biết mình sai, mình thua nhưng vẫn bảo thủ, cố cãi cho bằng được (theo Hoàng Tuấn Công).
  4. Thẹo
    Sẹo (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  6. Cừ
    Cọc bằng gỗ được đóng xuống để củng cố đất, dùng trong các công trình xây dựng trên nền đất yếu, đất bùn (nhà cửa gần sông rạch, đê điều chắn sóng...).
  7. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  8. Sông Bến Thóc
    Tên dân gian của sông Thoa, tên Hán Việt là Thốc Giang, một con sông đào có thể được tiến hành từ thời chúa Nguyễn (chưa rõ năm nào), xuất phát từ Phú An, đi qua các xã Đức Hòa, Đức Tân, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và cuối cùng đổ ra cửa Mỹ Á thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông có tên như vậy vì ngoài việc cung cấp nước, sông còn có tác dụng về giao thông đường thủy, chở người, thóc lúa sản xuất được ngược lên để vào sông Vệ, thông thương đi nhiều nơi.

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

  9. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  10. Bình Lương
    Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
  11. Tân Tạo
    Một con sông chảy ngang qua huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  12. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  13. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  14. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  15. Mía mưng
    Một giống mía ngọt, nhiều nước, dễ trồng, chịu được úng ngập.
  16. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  17. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  18. Mạ
    Mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  19. Gối loan
    Gối của vợ chồng. Xem thêm chú thích loan.
  20. Choang
    Choảng, đánh nhau.
  21. Bánh vẽ
    Hình vẽ chiếc bánh. Nghĩa bóng chỉ thứ trông có vẻ tốt đẹp nhưng không có thật, chỉ đưa ra để lừa bịp.
  22. Đông Ngạc
    Tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ, một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học, đồng thời nổi tiếng với nghề truyền thống là làm nem.
  23. Ruộng rộc
    Ruộng trũng và hẹp nằm giữa hai sườn đồi núi.
  24. Lúa nhe
    Thứ lúa cổ truyền, thân mảnh, ít hạt nhưng giã trắng nấu trong nồi đất, rất dẻo và thơm. Thứ lúa này mỗi gia đình chỉ cấy một ít, dùng vào việc cúng cơm mới.
  25. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  26. Lúa áo già
    Thứ lúa có vỏ đỏ nâu giống lông chim áo già, hạt gạo có màu đỏ, giã trắng vẫn còn màu hồng hồng, ăn ngon cơm.
  27. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  28. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.