Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  2. Cải lương
    Cải cách, thay đổi để tốt hơn. Đây là từ Hán Việt cũ, nay ít dùng.
  3. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  4. Cãi chắc
    Cãi nhau (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  5. Bảo Đại cải lương như phường bội cãi chắc
    Năm 1932, từ Pháp về, hoàng đế Bảo Đại cho ban hành hàng loạt chính sách cải cách, song đa phần mang màu sắc mị dân và không có ý nghĩa thực tiễn. Câu này nhằm đả kích các chính sách cải lương này của Bảo Đại.
  6. Rui
    Thanh tre hoặc gỗ đặt theo chiều dốc của mái nhà để đỡ những thanh đặt dọc (gọi là thanh mè).

    Rui mè

    Rui mè

  7. Chẳng thương cũng làm đò cúm núm
    Theo sách Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn của Huình Tịnh Của: Có ý nói về sự dâu rể ở với hai bên cha mẹ, không nên tỏ sự giận ghét, kẻo mất sự hiếu thảo thuận hòa, nghĩa là có không ưa cũng phải để bụng; về sự con cái ở cùng cha mẹ cũng vậy.
  8. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  9. Cội
    Gốc cây.
  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Có bản chép: "Không ai chờ bạn".
  12. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  13. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  15. Có bản chép: Mấy khi.
  16. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  17. Tân Nhựt
    Hiện là một xã thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
  18. Rạch Rít
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rạch Rít, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  20. Tượng khỉ và chó ở chùa Cầu
    Bốn pho tượng được thờ ở chùa Cầu, Hội An: đầu phía Tây cầu đặt hai tượng khỉ, đầu phía Đông đặt hai tượng chó.

    Tượng khỉ ở chùa Cầu

    Tượng khỉ ở chùa Cầu

    Tượng chó ở chùa Cầu

    Tượng chó ở chùa Cầu

  21. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  22. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  23. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  24. Cuông
    Công (phương ngữ Nghệ An-Hà Tĩnh).
  25. Có bản chép: có khi mà đã bị ong châm.