Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  2. Thám hoa
    Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
  3. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  4. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  5. Tổng đốc
    Chức quan đứng đầu bộ máy cai trị một tỉnh lớn hoặc vài tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

  6. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  7. Án sát
    Chức quan đứng đầu ty Án sát, trông coi việc hình (luật lệ, xét xử) trong một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, thuộc hàng tam phẩm.
  8. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  9. Tuần phủ
    Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ dưới thời nhà Nguyễn.
  10. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  11. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  12. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  13. Răng vàng
    Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.
  14. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  15. Trèm
    Cháy xém.
  16. Hèm
    Bã còn lại sau khi đã chưng cất rượu bia, màu trắng đục, mùi rất nồng, thường dùng cho lợn ăn. Người nghiện rượu thường được gọi là hũ hèm.

    Nấu rượu

  17. Quảng Đức
    Tên dân gian là Lò Gốm, một làng chuyên làm đồ gốm, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về hướng bắc. Làng nằm ở ngã ba sông Ngân Sơn và sông Cái, phía bắc giáp sông Cái, phía nam giáp đầm Ô Loan. Ở đó có bến đò Lò Gốm và có cầu bắc qua sông Ngân Sơn gọi là cầu Lò Gốm.
  18. Trã
    Cái nồi đất.
  19. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  20. Thanh trục
    Trong nghề nông, trục là công cụ để cán đất ruộng cho nhuyễn. Trục gồm có ống trục (ống dài đẽo 5 khía, hai đầu được giữ chặt bởi hai tai trục) gắn vào thanh gỗ nằm ngang gọi là thanh trục. Trên thanh trục có gắn bàn ngồi cho người điều khiển trâu bò đứng hoặc ngồi trên thanh trục.

    Chú bé ngồi trên thanh trục

    Chú bé ngồi trên thanh trục

  21. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  22. Gạo hom
    Một loại gạo đặc sản của tỉnh Thái Bình. Cây lúa hom thân dài, ưa những chân ruộng trũng. Hạt lúa hom bầu như hạt nếp cái hoa vàng, đuôi hạt thóc có râu. Cơm nấu bằng gạo hom vừa thơm, vừa dẻo vừa đậm đà.
  23. Giường hòm
    Loại giường trên giường dưới hòm, vừa dùng để nằm vừa dùng chứa quần áo, đồ trang sức hoặc thóc gạo, ngày xưa chỉ những nhà khá giả mới có.
  24. Hải Triều
    Tên Nôm là làng Hới, một làng nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có nghề truyền thống là dệt chiếu. Chiếu Hới có nhiều loại khác nhau: cải, đậu, đót, trơn, kẻ dọc màu, ít hoa, cạp điều, sợi xe... Chiếu mới có màu trắng ngà, ưa nhìn, mùi thơm dễ chịu của cói đồng, dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình theo tên tỉnh.

    Chiếu Hới

    Chiếu Hới

  25. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Hoành Sơn
    Tên một dãy núi ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình. Thế kỷ 17, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với sứ của chúa Nguyễn Hoàng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân," nghĩa là "một dải Hoành Sơn có thể dung thân đời đời." Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn vào đến Thuận Hóa và dựng nên nghiệp lớn của các chúa NguyễnĐàng Trong và nhà Nguyễn sau này.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  27. Bàn Độ
    Tên một ngọn núi ở địa phận xã Đỗ Chữ về phía bắc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Núi nằm giáp biển, trên núi có đầm, gọi là đầm Thủy Tiên, tương truyền nước có tiên nữ trong đầm đi ra. Đời Trần, vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, khi thuyền qua đây bị sóng gió không tiến được, phải đem người cung nữ là Nguyễn Bích Châu đặt lên cái mâm đồng dâng cho thủy thần, bấy giờ thuyền mới đi được, nên gọi tên là núi Bàn Độ.
  28. Chợ Voi
    Tên cái chợ nay thuộc xã Kỳ Phong, Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  29. Le Mur
    Pháp âm là "lơ-muya," một kiểu áo dài cách tân do họa sĩ Cát Tường (nghệ danh là Le Mur Cát Tường) tung ra vào những năm 1930. Áo Le Mur lấy cảm hứng từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen..., đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tương sáng mặc kết hợp với quần trắng. Sau khi thịnh hành một vài năm, đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống (gọi là áo "Lê Phổ"), áo Le Mur bớt phổ biến dần.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

  30. Bóp phơi
    Cũng đọc trại thành bóp (bót) tơ phơi, từ chữ tiếng Pháp portefeuille, nghĩa là cái ví tiền. Đây cũng là gốc của từ "bóp," được dùng nhiều ở miền Nam.
  31. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  32. Hồi đó, ngay tại thủ đô Huế, nơi có triều đình Việt Nam và Toà Khâm Sứ Pháp, một số các cô tân thời hay mặc "mốt" áo Le Mur. Dân Huế do đó mà có bài vè này.
  33. Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn
    Công cày cấy không có ý nghĩ quyết định bằng công chăm sóc (làm cỏ, bón phân, tỉa cành v.v.).
  34. Chi rứa
    Gì thế (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)