Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đãi đằng
    Tâm sự, giãi bày (từ cổ).
  2. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  3. Đồng hồ
    Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.

    Đồng hồ ngày xưa

    Đồng hồ ngày xưa

  4. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  5. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  6. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  7. Chuyên
    Chăm chỉ.
  8. Ngộ bất cập
    Thình lình mà gặp, gặp chuyện không tính trước.
  9. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  10. Huynh đệ
    Anh em (từ Hán Việt). Cũng có thể hiểu là anh chị em nói chung.
  11. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  12. Cây Gòn
    Tên một ấp thuộc xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây cũng là tên dân ta thường gọi một khu vực giáp với thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), thuộc xã Boreycholsa, huyện Boreycholsa, tỉnh Takeo, Campuchia.
  13. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  14. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  15. Trăng tỏ là trăng sáng, thường là vào những đêm rằm. Tuổi trăng tròn, tuổi trăng rằm thường chỉ tuổi mười lăm, mười sáu.
  16. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  17. Chiêm Sơn
    Tên một làng nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một trong những làng xã hình thành từ rất sớm vào thế kỷ 15 ở Quảng Nam khi những cư dân Thanh - Nghệ di dân vào khai phá mở mang bờ cõi với tiền hiền là tộc Nguyễn Công, Nguyễn Văn và Nguyễn Đình. Vào thời kỳ đầu các chúa Nguyễn (thế kỷ 17), làng Chiêm Sơn là nơi trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, dệt lụa tơ tằm. Qua nhiều thế hệ phát triển, đến những năm cuối thế kỷ 19, Chiêm Sơn trở thành làng quê nông nghiệp phồn thịnh điển hình nhất của Phủ Duy Xuyên với “số ruộng đất của làng đã lên đến 800 mẫu kể cả công tư điền thổ, nhân khẩu trên 1500 người; thổ sản của làng là lúa, khoai, đậu phụng; nhiều nhất là sắn, mỗi năm tiêu thụ không hết phải bán ra ngoài” (theo Quảng Nam xã chí).
  18. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  19. Duy Xuyên
    Tên một huyện nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, có truyền thống hiếu học. Nơi đây có hai thắng tích nổi tiếng là thánh địa Mỹ Sơn và thành cổ Trà Kiệu.

    Thánh địa Mỹ Sơn

    Thánh địa Mỹ Sơn

  20. Đụn
    Kho thóc.
  21. Mình hạc xương mai
    Thân mình mảnh mai như hạc, xương nhỏ như cành mai. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là "Nhỏ xương ốm yếu, thanh cảnh, cốt cách lịch sự."
  22. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  23. Mán, Mường
    Tên gọi chung các dân tộc thiểu số miền núi (thường mang nghĩa miệt thị).
  24. Thất phu
    Người dốt nát, tầm thường (hàm ý coi khinh, theo quan niệm cũ).
  25. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  26. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  27. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  28. Thái Yên
    Làng mộc nổi tiếng từ lâu đời, nay là một xã thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  29. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Trỏng
    Trong ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Ma Liên
    Tên một làng biển nay thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chợ Ma Liên (nay là chợ Mỹ Quang). Ngày xưa, ranh giới giữa hai làng Phú Quý (Mỹ Quang hiện nay) và Long Thủy có một bãi cát rộng làm nơi chôn cất người chết, rất nhiều mồ mả. Theo truyền thuyết, xưa thường hay có người âm trà trộn vào đi chợ.
  32. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  33. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  34. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  35. Nam thanh nữ tú
    Đảo ngữ của "nam tú nữ thanh," có nghĩa là nam thì khôi ngô tuấn tú, nữ thì dịu dàng, thanh cao.