Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  2. Cơm khê
    Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
  3. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  4. Nga
    Một loại cỏ thân ống thường mọc ven sông nước ở miền Tây Nam Bộ.

    Cây nga mọc ven kênh. Ảnh chụp tại xã Bình Hàng Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp - Um A Hum

    Cây nga mọc ven kênh. Ảnh © Um A Hum, chụp tại xã Bình Hàng Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp.

  5. Hoạn dưỡng
    Nuôi nấng và chăm sóc (từ Hán Việt).
  6. Tam Bình
    Tên một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Huyện có đặc sản là cam sành, nổi tiếng thơm ngon và ngọt. Ngoài ra, huyện còn có khu di tích Cái Ngang, chùa Kỳ Sơn, chùa Phước Sơn.... đều là những điểm thu hút khách tham quan cả nước.
  7. Bứa
    Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.

    Quả bứa

    Quả bứa

  8. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  9. Bẵng
    Bắc nồi lên bếp (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Có bản chép: Đốt lửa đun sôi.
  11. Bát loa
    Loại bát nông, gần giống đĩa, vành rộng. Có nơi cũng gọi là bát ô tô.

    Bát loa

    Bát loa

  12. Có bản chép: được mùa.
  13. Rồng lấy nước
    Còn gọi là vòi rồng, là hiện tượng một cột gió xoáy có đầu trên tiếp xúc với một đám mây, trong khi đầu dưới lại quét trên mặt đất. Sức gió rất nhanh và mạnh trong vòi rồng hút các vật từ mặt đất lên, đồng thời ngưng tụ hơi nước trong không khí thành những hạt nước nhỏ li ti, nên nhìn từ xa giống như có con rồng trên mây chúi đầu xuống hút nước. Tùy vào màu sắc của đám mây và ánh sáng, vòi rồng có thể có màu trắng, xám, hay đen.

    Vòi rồng

    Vòi rồng

  14. Ô Loan
    Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  15. Cần Vương
    Nghĩa là "Dốc sức vì vua," tên gọi một phong trào khởi nghĩa vũ trang của giới văn thân, sĩ phu Việt Nam cuối thế kỉ 19, nêu danh nghĩa giúp nhà vua đánh đuổi quân Pháp xâm lược, đặc biệt là giai đoạn sau khi Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương (năm 1885). Năm 1888, Hàm Nghi bị bắt và đày sang Alger, phong trào suy yếu dần. Từ cuối năm 1895 đầu 1896, khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt.
  16. Lê Thành Phương
    Một chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh phong trào Cần Vương cuối thế kỉ 19 tại Phú Yên - Bình Định. Ông sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An), trong một gia đình trung lưu. Năm 1855, ông đỗ tú tài tại trường thi Bình Định nên thường được gọi là Tú Phương. Sau khi đậu tú tài, ông trở về quê dạy học. Năm 1885, ông cắt máu ăn thề cùng hơn ngàn binh sĩ, tổ chức ra đạo quân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của người Pháp. Cuộc khởi nghĩa kéo dài đến ngày 8 tháng 2 năm 1887 thì Lê Thành Phương lọt vào tay quân Pháp. Ngày 20 tháng 2 năm 1887, quân Pháp xử chém ông tại bến đò Cây Dừa.
  17. Dầu cù là
    Cũng gọi là dầu cao, một loại cao bôi ngoài da dạng sệt có tác dụng làm nóng, chữa cảm cúm, đau bụng, côn trùng cắn... Dầu cù là thường được đóng trong các hộp nhỏ hình tròn bằng thủy tinh hoặc kim loại. Theo học giả An Chi, Cù Là là tên mà người xưa ở miền Tây Nam Bộ dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam bộ, nên được gọi là dầu Cù Là. Sau này danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao.

    Dầu cù là

    Dầu cù là

  18. Dầu cù là Ông Tiên
    Một nhãn hiệu dầu cù là rất phổ biến ở miền Nam trước đây.
  19. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  20. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  21. Có bản chép: thắm.
  22. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  23. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ông Ầm.
  24. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  25. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  26. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  27. Bàu Súng
    Tên một bàu nước có diện tích độ 2,5 km2 thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bàu mọc nhiều hoa súng nên có tên gọi như vậy. Xung quanh bàu, người dân trồng nhiều khoai lang, dưa gang, mướp...

    Vớt bông súng trên Bàu Súng

    Vớt bông súng trên Bàu Súng

  28. Rận
    Loại côn trùng nhỏ, thân dẹp, không cánh, hút máu, sống kí sinh trên người và một số động vật.
  29. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  30. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  31. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  32. Người nhà Thanh (Trung Quốc) để tóc đuôi sam.