Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  2. Choang
    Choảng, đánh nhau.
  3. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  4. Trâm bầu
    Một loại cây bụi hoặc gỗ, mọc hoang ở miền kênh rạch vùng Đông Nam Bộ hoặc được trồng để nuôi kiến cánh đỏ. Lá, rễ và hạt được cho là có nhiều tác dụng chữa bệnh, phổ biến nhất trong dân gian là dùng để tẩy giun đũa.

    Lá và quả trâm bầu.

    Lá và quả trâm bầu.

  5. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  6. Gió Nam lầu
    Gió từ lầu cao ở phía Nam thổi tới, có cùng ý nghĩa như gió non Nam.
  7. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  8. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  9. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  10. Kèn lá
    Một loại nhạc cụ đơn giản của một số dân tộc miền núi, chỉ gồm một chiếc lá cây được cắt phần cuống, gấp đôi theo sống lá. Thường người ta chọn những lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa.

    Thổi kèn lá

    Thổi kèn lá

  11. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Thừa Sủng – Đồng Mờm
    Địa danh nay là nơi tiếp giáp giữa hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, nơi xảy ra trận đánh giữa nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn và quân Pháp vào năm 1886. Trận này nghĩa quân thắng lớn, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
  13. Rẫy
    Ruộng được lên liếp (luống) để trồng hoa màu.

    Rẫy hoa màu ở Cái Nước (Cà Mau)

    Rẫy hoa màu ở Cái Nước (Cà Mau)

  14. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  15. Ròng
    Liên tục trong suốt một thời gian dài.
  16. Mắm tôm
    Một loại mắm ở miền Bắc, được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi (một loại tôm nhỏ) và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc rất đặc trưng. Mắm tôm thường có ba dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Trước khi sử dụng, mắm tôm thường được pha với chanh và ớt.

    Mắm tôm đã pha

    Mắm tôm đã pha

  17. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  19. Dập bã trầu
    Cách nói chỉ thời gian ngắn, đủ để nhai dập một miếng trầu.
  20. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  21. Về nguồn gốc của câu ca dao này, xin xem câu "Nực cười ông huyện Hà Đông."
  22. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  23. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  24. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  25. Quảng Xương
    Địa danh nay là một huyện duyên hải thuộc tỉnh Thanh Hóa.