Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sao đang
    Sao nỡ đành.
  2. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  3. Thành Ô Ma
    Tên tiếng Pháp là Camp aux Mares (trại ở nơi có nhiều ao), một trại lính do người Pháp lập nên vào cuối thế kỉ 19. Trên bản đồ Sài Gòn 1947, khu vực Thành Ô Ma được đánh số 132, trên khu đất bao quanh bởi các con đường:

    (1) Rue Chasseloup Laubat (trước 1975 là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
    (2) Rue de Nancy (trước 1975 là Cộng Hòa, nay là Nguyễn Văn Cừ)
    (3) Rue Frère Louis (nay là một phần đường Nguyễn Trãi)
    (4) Rue d'Arras (nay là đường Cống Quỳnh)

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

  4. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Hốt phân trâu, phân bò về bón ruộng.
  6. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  7. Có nơi hát: Đừng có đi đâu mà lạc đường lạc sá.
  8. Đây là trò Hú dê về nhà mẹ hoặc Dê mẹ tìm con. Cách chơi: từ 7 đến 9 em tham gia, em trưởng trò đóng vai dê mẹ, một em đóng vai sói, số còn lại đóng vai dê con. Dê con trốn nơi kín đáo sao cho sói không tìm thấy. Dê mẹ ngồi một nơi hoặc chạy đi chạy lại và hát bài đồng dao này, câu cuối cùng ngân dài. Dê con nghe tiếng mẹ gọi thì rời khỏi chỗ nấp, tìm cách chạy đến chạm vào tay dê mẹ sao cho sói không bắt được. Nếu bị bắt, dê con bị loại khỏi cuộc chơi.
  9. Cội
    Gốc cây.
  10. Hét
    Một giống chim lông đen giống chim sáo nhưng to hơn.
  11. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  12. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  13. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  14. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  15. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  16. Câu này có ý nhắc tới chu kì kinh nguyệt của phụ nữ.
  17. Ô Loan
    Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  18. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.
  20. Có bản chép: anh.
  21. Lá trầu lương
    Lá trầu nằm ở sát gốc, mọc ra từ thân chính của dây trầu. Lá trầu lương dày, xanh thẫm, chỉ dùng để làm thuốc, không dùng để ăn.
  22. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  23. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  24. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  25. Cầu Không
    Một làng nay thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  26. Đại Hoàng
    Một làng nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Làng xưa kia trồng nhiều trầu không, và trầu ngon có tiếng.
  27. Chuối ngự
    Chuối quả nhỏ, khi chín vỏ rất mỏng, màu vàng, thịt chắc và thơm. Xưa kia giống chuối này được đem tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự.

    Chuối ngự

    Chuối ngự

  28. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  29. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  30. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  31. Sáo đen
    Một giống chim thuộc họ Sáo. Sáo đen có loại có chân vàng mỏ vàng, mắt đen kịt, không có tròng trắng. Loại khác chân ngà mỏ ngà, tròng mắt có màu vàng, con ngươi nhỏ. Lại có loại mỏ ngà chân vàng tròng mắt màu vàng và con ngươi co giãn.

    Sáo đen

    Sáo đen

  32. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  33. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  34. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  35. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  36. Cò bợ
    Một giống cò có mỏ vàng với đầu mỏ đen, chân và mắt màu vàng. Bình thường cò bợ có bộ lông màu xám, đến mùa sinh sản thì chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng.

    Cò bợ

    Cò bợ

  37. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.