Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  2. Đầm
    Gọi tắt của me đầm hoặc bà đầm, từ tiếng Pháp madame, nghĩa là quý bà. Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, thường có ý chế giễu, đả kích.
  3. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  4. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  6. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  7. Giẻ cùi
    Một loài chim thuộc họ Quạ, sống ở những khu vực rừng thưa hoặc cây bụi, có bộ lông màu sắc sặc sỡ. Giẻ cùi rất tạp ăn. Ngoài một số loại hạt, quả, chúng săn cả rắn, rết, chuột, cóc, ếch nhái, côn trùng.

    Dẻ cùi xanh mỏ đỏ

    Giẻ cùi xanh mỏ đỏ

  8. Giẻ cùi tốt mã
    Ám chỉ những kẻ có vẻ bề ngoài bảnh bao, sang trọng, nhưng bên trong ti tiện, rỗng tuếch, bất tài, vô dụng.
  9. Ngù
    Núm tròn chụp lên chóp mũ nón, cán cờ, cán binh khí thời trước, thường có đính những tua màu đẹp rủ xuống hoặc chòm lông dài.
  10. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  11. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  12. Bài ca dao này nói về việc vua Hàm Nghi cùng đại thần Tôn Thất Thuyết khởi xướng phong trào Cần Vương chống Pháp.
  13. Nam nhân như chấy, nữ nhân như rận
    Một cách nói bỡn cợt có nguồn gốc từ câu "Nam nhi chi chí, nữ nhi chi hạnh."
  14. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  15. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  16. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  17. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  18. Sề
    Đồ đan mắt thưa, nan thô, rộng, to hơn rổ, thường dùng đựng bèo, khoai...
  19. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  20. Vu quy
    Về nhà chồng.
  21. Liên tu
    Tua nhị của hoa sen, ý nói "không ngừng", lấy từ thành ngữ Liên tu bất tận (tuôn ra không dứt như tua sen).
  22. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  23. Trần Quang Châu
    Cũng gọi là Trương Giao, một tướng nhà Lê vào thế kỉ 18. Ông đã cùng tướng nhà Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm giao chiến nhiều trận ở cửa sông Đuống. Năm 1789, khi quân Thanh sang nước ta, ông dẫn quân Thanh đánh Tây Sơn. Quân Thanh đại bại, ông chạy lên Yên Thế phối hợp với Dương Đình Tuấn, sau bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng bắt sống và hành quyết năm 1792.
  24. Dương Đình Tuấn
    Cũng gọi là Dáo Mao tuần lĩnh, người huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là tướng nhà Lê, nhiều lần lập công và được Lê Chiêu Thống phong làm trấn thủ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Về sau, ông bị quân Tây Sơn bao vây và chết trong rừng Yên Thế.
  25. Có phúc thì gặp Trương Giao, vô phúc thì gặp Dáo Mao tuần lĩnh
    Trong hành quân, so với Trương Giao (Trần Quang Châu), Dáo Mao tuần lĩnh (Dương Đình Tuấn) thường chém giết tùy tiện hơn.
  26. Vũ Mao
    Có tài liệu cho là Vũ Văn Nhậm, tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm ra tư liệu về tên gọi này.
  27. Bị
    Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.

    Bị cói

    Bị cói