Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ba lọc bảy lừa mắc phải bừa rụng răng
    Cầu toàn, kén chọn quá cuối cùng lại dễ vuột mất cơ hội, đạt kết quả không vừa ý.
  2. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  3. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  4. Đây là một cách nói lối (nói quá) của người dân xứ Truồi về sự đắt đỏ của trầu cau.
  5. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  6. Có bản chép: Mấy khi.
  7. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  8. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  9. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  10. Xàng xê
    Đung đưa, đảo qua đảo lại để gợi tình (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng nói là xàng xự.
  11. Be
    Bình đựng rượu, làm bằng sành, sứ hoặc đá quý, bầu tròn, cổ dài và hẹp.

    Be rượu bằng sứ

    Be rượu bằng sứ

  12. Rượu cổ be, chè đáy ấm
    Rượu ngon lúc đầu, chè ngon về cuối.
  13. Ương
    Ươm hạt.
  14. Thanh Chiêm
    Nay là làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vốn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của Đàng Trong. Đây là nơi chúa Nguyễn Hoàng đặt trấn, trở thành vùng yết hầu để mở cõi về phương Nam. Từ dinh trấn Thanh Chiêm, các chúa Nguyễn đã thành lập Hội An, thu hút tàu bè các nước vào buôn bán. Giáo sĩ Buzomi (người Ý) đã đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành của bộ chữ Quốc ngữ tại đây.

    Dinh trấn Thanh Chiêm cuối thế kỉ 19

    Dinh trấn Thanh Chiêm cuối thế kỉ 19

  15. Quân cấp
    Hình thức chia ruộng thời phong kiến, lấy ruộng đất công chia cho dân tính theo đầu người.
  16. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  17. Tú Sơn
    Một địa danh nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trước là khu đồng rộng.
  18. Câu này nhắc đến tục bôi dầu dừa cho mượt tóc của con gái vùng Tú Sơn, Quảng Ngãi.
  19. Trì Trì
    Tên một giống lúa nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Có ý kiến cho rằng, giống lúa này là do tướng Chăm là Bồ Trì Trì để lại trước khi bị quân nhà Lê truy đuổi phải chạy vào đến Phan Rang vào cuối thế kỉ 15. Lúa Trì Trì có hạt gạo đỏ, khi nấu chín nở nhiều và ngon cơm.
  20. Ươi
    Cũng gọi là đười ươi, một loại cây rừng thân gỗ lớn, cho quả có vị ngọt, hơi chát, tính hàn, mát cho cơ thể. Hạt ươi khô có vỏ nhăn nheo, khi ngâm nước sẽ nở ra rất to, thường được dùng để nấu chè.

    Hạt ươi

    Hạt ươi

  21. Hoàng anh
    Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.

    Chim Hoàng Anh (Chim Vàng Anh)

    Chim Hoàng Anh

  22. Vâm
    Con voi (từ cũ).
  23. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  24. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  25. Tổ đỉa
    Một loài cây dại mọc chìm dưới các chân ruộng nước hoặc ven bờ nước, có nhiều ở vùng đồng chiêm trũng. Lá tổ đỉa có nhiều lớp, ken dày, mỏng và hình thù lộn xộn, nom có vẻ rất xơ xác, tớp túa (vì bám nhiều bùn đất).
  26. Dụng cụ đánh bắt tôm cá, gồm có một lưới, bốn góc mắc vào bốn đầu gọng để kéo.

    Kéo vó

    Kéo vó

  27. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  28. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  29. Minh Hương
    Một trong nhiều tên gọi của người Hoa ở Việt Nam. Sau khi nhà Thanh tiêu diệt nhà Minh, một số người Trung Hoa không chịu thần phục, chạy sang Việt Nam lánh nạn, lập thành làng, phố, gọi là người Minh Hương. Hai chữ Minh Hương ban đầu được viết là 明香 (hương hỏa nhà Minh), sau nhà Nguyễn đổi thành 明鄉 ("làng người Minh," hoặc "làng sáng sủa") nhằm tránh động chạm với nhà Thanh. Ở vùng Chợ Lớn (Sài Gòn), Hội An (Quảng Nam) và Huế đều có tên làng Minh Hương.
  30. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  31. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  32. Cao lương mĩ vị
    Món ăn ngon và quý nói chung (chữ Hán).
  33. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.