Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bài ca dao này thật ra là một bản dịch từ bài thơ Mẫn nông của nhà thơ Lý Thân, đời Đường ở Trung Quốc:

    Sừ hòa nhật đương ngọ
    Hãn trích hòa hạ thổ
    Thùy tri bàn trung xan
    Lạp lạp giai tân khổ

    Dịch nghĩa:

    Cày ruộng buổi đang trưa
    Mồ hôi rơi xuống đất
    Ai hay cơm trên mâm
    Từng hạt, từng hạt đều cay đắng

  2. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  3. Tày
    Bằng (từ cổ).
  4. Ai lanh tay thì tày đũa
    Đầu đũa phải so cho bằng (tày) thì mới gắp được nhanh và nhiều khi ăn. Nghĩa bóng: Nhanh nhẹn thì được hưởng lợi nhiều.
  5. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  6. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  7. Long Thọ
    Một địa danh thuộc làng Nguyệt Biều, nay thuộc phường Thuỷ Biều thành phố Huế. Tại đây có đồi Long Thọ, trên đồi có dựng đình, nơi quàn quan tài các chúa Nguyễn Phúc Thái (1691), Nguyễn Phúc Chu (1725), Nguyễn Phúc Khoát (1765). Đến thời Gia Long thì đổi tên là Long Thọ Cương, dựng đình bát giác và dựng bia đá ghi sự tích. Vào đầu thời Gia Long, triều đình mở lò gạch tráng men sản xuất các vật liệu xây dựng kinh thành Phú Xuân - Huế. Đến năm 1896 nhà tư sản Bogaert đầu tư xây dựng nhà máy vôi Long Thọ sản xuất vôi thủy, xi măng, đồ sành sứ, gốm gạch ca rô...
  8. Sông Đồng Nai
    Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.

    Một nhánh sông Đồng Nai

    Một nhánh sông Đồng Nai

  9. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  10. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  11. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Đồng tiền Vạn Lịch
    Một loại tiền đúc thời Vạn Lịch nhà Minh. Vạn Lịch là niên hiệu duy nhất của vua Minh Thần Tông, trị vì Trung Quốc từ năm 1572 đến năm 1620.

    Minh Thần Tông

    Minh Thần Tông

  13. Bốn chữ "Vạn Lịch thông bảo" 萬曆通寶 (đồng tiền lưu hành thời Vạn Lịch) đúc trên đồng tiền.

    Đồng tiền Vạn Lịch

    Đồng tiền Vạn Lịch

  14. Có bản chép: Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu.
  15. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  16. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  17. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  18. Đại hồng
    Một loại sứ có hoa màu đỏ, to. Thân nhánh màu xanh xám, lá thon dài, nhỏ ở cuống, phình to ngoài chót, phiến lá màu xanh pha vàng nhạt, có gân giữa nổi lên rõ rệt. Cây thường được trồng làm cảnh, rất siêng hoa (có hoa quanh năm).

    Đại hồng

    Đại hồng

  19. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  21. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  22. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  23. Tận cổ chí kim
    Từ xưa đến nay.
  24. Khôn
    Khó mà, không thể.
  25. Phu
    Chồng (từ Hán Việt).
  26. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  27. Lòn
    Luồn, lách (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Kì tình
    Kì thực, thật ra.
  29. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  30. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.