Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  2. Bể ái
    Biển tình. Chỉ tình yêu thương chứa chan như biển.
  3. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  4. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  5. Ngàn
    Rừng rậm.
  6. Bông nổi cho chim, bông chìm cho cá
    Cảnh vụ mùa ở các vùng chiêm trũng miền Bắc và Bắc Trung Bộ ngày trước.
  7. Hò hụi
    Một loại hình hò ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Bình-Trị-Thiên), được hò khi chèo đò. Khi hò, người hò chêm vào các tiếng "hụi hò khoan" đánh nhịp với tay chèo đò. Nghe một bài Hò hụi.
  8. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  9. Buồi
    Dương vật.
  10. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  11. Kéo hoa
    Còn gọi là cài hoa, công việc hỗ trợ cho việc dệt trong quá trình dệt lụa hoa. Dệt cài hoa phải có hai người, một người điều khiển chính là người dệt, người kéo hoa có nhiệm vụ kéo go xà thật ăn ý với động tác của người dệt chính.
  12. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  13. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  14. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  15. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  16. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  17. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  18. Mòng
    Cũng gọi là mòng mòng hoặc ruồi trâu, loài ruồi lớn chuyên hút máu trâu bò, truyền nhiễm bệnh dịch ở gia súc.

    Ruồi trâu

    Ruồi trâu

  19. Buồm bê
    Buồm bị gió tạt.
  20. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  21. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  22. Rế
    Vật dụng làm bếp, thường đan bằng tre nứa, hình tròn, để đỡ nồi chảo cho khỏi bỏng và dơ tay.

    Đan rế

    Đan rế

  23. Ba làng Chảy, bảy làng La
    Ba làng Chảy gồm Phúc Lâm,Thượng Thụy và Ước Lễ, bảy làng La gồm La Cả, La Dương, La Nội, La Giang, La Phù, La Khê và La Tinh. Những làng này cặp theo bờ sông Nhuệ, nay thuộc địa phận quận Hà Đông, Hà Nội, xưa kia nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
  24. Đình Khao
    Tên một ngôi đình nằm ven sông Cổ Chiên, nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng, vừa là nơi binh lính hoàn thành quân ngũ tập hợp về để được khao thưởng (nên mới có tên là Đình Khao). Theo một số tài liệu, đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của nhà Nguyễn, đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập chùa Bửu Lâm Tự trên nền đất cũ của đình. Đến năm 1945, giặc Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên, đốt chùa Bửu Lâm. Năm 1961, chùa được dựng lại bằng cây, mái ngói, rồi dần dần được xây dựng khang trang như hiện nay.

    Tại khu vực này cũng có các địa danh liên quan như phà Đình Khao, trung tâm hành hương Đình Khao...

    Cầu xuống phà Đình Khao

    Cầu xuống phà Đình Khao

  25. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  26. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  27. Tam bảo
    Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và những người bạn đồng học. Của chùa thường được gọi là của tam bảo.
  28. Giồng Dứa
    Một bộ phận của Ba Giồng ở tỉnh Tiền Giang, xuất phát từ xã Tam Hiệp chạy đến cặp lộ Đông Dương (quốc lộ I) thuộc ấp Đông xã Long Định huyện Châu Thành, nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 10km về phía Tây. Do ở đây có nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa.
  29. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  30. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  31. Kim cải
    Cây kim, hạt cải. Chỉ duyên vợ chồng khắng khít như nam châm hút kim, hổ phách hút hạt cải.

    Kể từ kim cải duyên ưa
    Đằng leo cây bách mong chờ về sau

    (Quan Âm)

  32. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  33. Phiên bang
    Nước của người Phiên. Người Trung Quốc xưa gọi các dân tộc sống ngoài biên cương của mình là người Phiên. Về sau chữ "Phiên" được sử dụng để chỉ nước ngoài nói chung, đặc biệt là những nước không theo văn hiến Trung Hoa.
  34. Hớn địa
    Đất Hán (từ Hán Việt, đọc theo nhiều phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ) chỉ lãnh thổ Trung Hoa.
  35. Khải Định
    (1885 – 1925), hoàng đế thứ 12 của nhà Nguyễn. Ông tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, lên ngôi ngày 18/5/1916, ở ngôi được 10 năm thì lâm bệnh nặng và qua đời. Ông bị lịch sử đánh giá là một vị vua chỉ ham chơi bời, chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa, thân Pháp, và không được lòng dân chúng.

    Vua Khải Định

    Vua Khải Định

  36. Câu ca dao này là tập theo hai câu 931 và 932 trong Truyện Kiều:

    Lầu xanh quen lối xưa nay
    Nghề này thì lấy ông này tiên sư

  37. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  38. Hoành phi
    Nguyên nghĩa là bảng nằm ngang, một dạng thư hoạ (tranh chữ), được dùng rộng rãi trong dân gian (đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở...). Hoành phi có nhiều loại, có loại sơn son chữ vàng, có loại sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt. Hoành phi được treo ở những nơi thờ cúng như đình, đền, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, nơi lăng mộ... Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc những vị trí trang trọng khác của đền, đình hoặc ngôi nhà. Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, nhưng cũng có gia đình treo đến hai ba bức, thường là gia đình khá giả. Xưa, những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót, nẹp vào rồi dán những tấm giấy đỏ có viết đại tự lên.

    Chữ viết trên bức hoành phi thường có ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên hoặc những người có công với đất nước.

    Hoành phi

    Hoành phi