Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  2. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  3. Măng le
    Loại măng được lấy từ cây le.
  4. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  5. Dẻo bánh ăn chung, bể vung mình phải vạ
    Làm việc thành quả thì hưởng chung, nhưng khi gặp tai vạ, sự cố thì phải chịu một mình.
  6. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  7. Hữu thủy hữu chung
    Có trước có sau.
  8. Bảy mươi chớ cười bảy mốt
    Đời người khó mà lường được những tai biến xảy ra, khó mà nói trước được bất cứ điều gì.
  9. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  10. Có bản chép: "có người nào nghe"
  11. Phương Hoa
    Tên một truyện thơ Nôm thể lục bát hiện chưa rõ tác giả. Truyện có một số dị bản khác nhau, nhưng tất cả đều dựa theo truyền thuyết dân gian về nàng Phương Hoa giả nam đi thi đỗ Tiến sĩ để minh oan cho hôn phu là Cảnh Yên.

    Nay mừng vận mở hành thông
    Bắc nam hòa thuận, tây đông thái bình.
    Bốn phương hải yến hà thanh,
    Muôn dân, trăm họ thái bình âu ca.
    Tích xưa ở huyện Thanh Hoa,
    Có hai hiền sỹ nết na đại tài.
    Tên là Trần Điện, Trương Đài,
    Trẻ thơ đã biết dùi mài nghiệp nho...

  12. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  13. Bổi
    Mớ cành lá, cỏ rác lẫn lộn, thường dùng để đun bếp.
  14. Nhượng Bạn
    Một làng cá đã hơn một trăm năm tuổi, nay thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Dân ở đây không chỉ có tài ra khơi vào lộng, đánh cá giỏi mà còn có nghề chế biến mắm ruốc nổi tiếng. Nhượng Bạn có nghĩa là “bờ đất nhường” bắt nguồn từ truyền thuyết về đời Trần: Hồi ấy vì làng bị lấn chiếm, bà cung nhân Hoàng Căn người làng này bày mẹo lập bia dựng mốc ở nơi địa giới cũ, ít lâu sau phát đơn kiện kêu quan và đã giành lại được phần đất bị lấn chiếm.

    Vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm, ở đây có lễ hội cầu ngư, từ ngày rằm đến 30/6 lại có hội đua thuyền.

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

  15. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  16. Rào
    Khúc sông (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  17. Huấn chỉ đế vương
    Theo lệnh của vua.
  18. Rún
    Rốn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  19. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  20. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu