Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  2. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  3. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  4. Trôm
    Một loại cây thân gỗ, cho mủ (nhựa) có vị ngọt, thường được dùng làm thức uống giải khát.

    Khai thác mủ trôm

    Khai thác mủ trôm

  5. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  6. Tù và
    Một loại dụng cụ làm từ sừng trâu, sừng bò, ngà voi, hoặc các loại vỏ ốc, thường dùng để báo hiệu bằng cách thổi vào phần đáy. Trong chiến tranh, tù và được dùng để đốc thúc tinh thần quân sĩ. Tù và cũng là nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc thiểu số.

    Tù và sừng trâu

    Tù và sừng trâu

  7. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  8. Mần vầy
    Làm như vậy (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  10. Cá ồ
    Loại cá biển nhỏ nhìn rất giống cá ngừ, cũng gọi là cá ngừ ồ, có nhiều ở vùng biển miền Trung.

    Cá ồ hấp

    Cá ồ hấp

  11. Lò Ba
    Tên gọi cũ của làng biển Hòa Hiệp, nay gồm 4 khu phố: Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ thuộc phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá biển.
  12. Thanh Lâm
    Tên gọi của một huyện đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam kể từ thời thuộc Minh (1407-1427), hiện nay là huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
  13. Đồng Khê
    Tên nôm là Đồng Sớm, nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
  14. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  15. Chúa
    Chủ, vua.
  16. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  17. Cua thâm càng, nàng thâm môi
    Theo An Chi: Cua thâm càng là cua óp, ít gạch; nàng thâm môi là nàng có dấu hiệu bệnh lý gì đó (nên chàng phải cẩn thận).
  18. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  19. Vạc
    Rõ ràng, rành mạch (phương ngữ miền Trung).
  20. Cù Du
    Thật ra Cù Du không phải là địa danh, mà là tên một loại chiếu được dệt ở các làng nghề ở Phú Yên. Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 có nói đến hộ quan tịch (dệt chiếu), hộ cù du.” Trước năm 1945, ở xã Trường Thịnh ở Phủ Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã Hoà Vinh, huyện Tuy Hoà) có khoảng 20 hộ nông dân làm nghề dệt chiếu. Người Trường Thịnh gọi chung số hộ nông dân này là Cù Du. Chiếu Cù Du sở dĩ được ưa chuộng vì bền và dày.
  21. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  22. Ngân Sơn
    Một địa danh nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước đây là phường lụa Ngân Sơn, có cách đây hơn 300 năm. Phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Gấm lụa của phường lụa Ngân Sơn rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc, đồng thời từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
  23. Giằng cối xay
    Cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giằng xay để cối quay tròn. Một số địa phương phát âm thành "giàng xay" hay "chàng xay".

    Xay lúa

    Xay lúa

  24. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  25. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam