Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhánh cây.
  2. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  3. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  4. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  5. Lúa Ba Trăng
    Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
  6. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  7. Dẽ giun
    Tên chung của một số loài chim lội nước có mỏ dài, thẳng, có màu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh. Ở một số địa phương, chim dẽ giun cũng được gọi là con choi choi hoặc con thọc trùn.

    Dẽ giun

    Dẽ giun

  8. Run như dẽ
    Theo Hoàng Tuấn Công, chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật, mình thì rung rung theo nhịp bước chân, khiến người ta có cảm giác chúng thường run lẩy bẩy, đặc biệt là khi chim trống quyến rũ chim mái.
  9. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  10. Hàm Nghi
    (3 tháng 8 năm 1871 – 4 tháng 1 năm 1943), vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Hàm Nghi là vị vua yêu nước, chủ trương chống Pháp. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt và đày sang Alger (thủ đô xứ Algérie), tại đây ông sống đến năm 1943 thì qua đời vì bệnh ung thư dạ dày.

    Vua Hàm Nghi

    Vua Hàm Nghi

  11. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh

  12. Xằng
    Sai, bậy.
  13. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  14. Nhung
    Hàng dệt bằng tơ hoặc bông, có tuyết phủ mượt ở bề mặt hoặc có sợi làm thành luống đều nhau.

    Nhung

    Nhung

  15. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  16. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  17. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  18. Có bản chép: Gió nồm, nước rặc. Lại có bản khác chép: Mưa nguồn, chớp giật.
  19. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  20. Đọc thêm về chiến thắng Bạch Đằng năm 938 tại đây.
  21. Có bản chép: Chớ đánh chỗ cạn phải chông mà chìm.
  22. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  23. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  24. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm từ mùng 4 đến mùng 7 có hội đua ghe hàng năm, sau đó là hội dội bòng. Người ta xây một lễ đài để làm lễ gọi là “nhà trò,” trước nhà trò trên bãi biển rộng, ở hai đầu bãi dựng hai cây tre có ngọn, cao chừng 4 mét, trên mỗi cây tre có treo một giỏ tre, trong khi diễn ra cuộc chơi thì hai phe cử hai người giữ hai cột tre của nhau, để mỗi khi quả bòng được dồi vào thì cố lắc mạnh để quả bòng khó lọt được vào giỏ tre, nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình là xem như thắng cuộc.
  25. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  26. Bồ Tát
    Viết tắt của Bồ-đề-tát-đỏa, cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang chữ Hán Việt, nghĩa là người hữu tình (tát đỏa) đã giác ngộ (bồ đề). Theo Phật giáo đại thừa, bồ tát là những người đã đạt được cảnh giới, nhưng quyết không trở thành Phật khi nào toàn bộ chúng sinh còn chưa giác ngộ. Phật tử khi tụng kinh thường niệm Bồ Tát.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  27. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  29. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  30. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  31. Dĩ lỡ
    Đã lỡ, đã trót làm việc gì (phương ngữ Nam Bộ).
  32. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  33. Ga
    Gà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  34. Thổ Sơn
    Một làng nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
  35. Áo xông huơng
    Áo gấm và áo thêu của hoăc người quyền quí và giàu có thời xưa ở nước ta thường không được giặt mà được cất trong hòm gỗ bằng trầm hương hoặc xông bằng cách đốt trầm cho thơm.
  36. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi