Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  2. Chào mào
    Cũng gọi là chóp mào hay chốc mào, một loài chim có mào nhọn trên đầu, hai bên má có lông trắng.

    Chim chào mào

    Chim chào mào

  3. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  4. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  5. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  6. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  7. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  8. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  9. Đằng vân giá vũ
    Cưỡi mưa, đè mây (chữ Hán). Thường dùng để chỉ sự đi lại của thần tiên.
  10. Có bản chép: Người xinh cái ấy cũng xinh.
  11. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  12. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  14. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  15. Cháy
    Lớp cơm sát đáy nồi bị sém vàng đóng thành mảng.
  16. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  17. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  18. Bến Nghé
    Địa danh ban đầu là tên đoạn sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, sau đó được dùng để chỉ vùng trung tâm Sài Gòn. Hiện nay Bến Nghé là tên một phường thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

    1. Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
    2. Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm."

    Trước đây, nhắc đến vùng Đồng Nai - Bến Nghé nghĩa là nhắc đến cả vùng đất Nam Bộ.

    Bến Nghé của tiền tan bọt nước
    Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

    (Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

  19. Cá sơn
    Tên chung của một số loại cá biển (sơn thóc, sơn gai, sơn đỏ, sơn trắng…). Cá sống theo từng đàn gần bờ, ngư dân thường dùng lưới mành để đánh bắt nguyên cả đàn (nên cũng gọi là cá mành sơn). Tùy loại mà cá được chế biến thành các món khác nhau như gỏi, kho tiêu, nấu canh ngọt, làm chả…

    Gỏi cá sơn - Ảnh: Tuy An

    Gỏi cá sơn trắng - Ảnh: Tuy An

  20. Goòng
    Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
  21. Gối loan
    Gối của vợ chồng. Xem thêm chú thích loan.
  22. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  23. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  24. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  25. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Bùi ngùi
    Cảm giác buồn đến như muốn khóc vì thương cảm, nhớ tiếc.
  27. Đông ken
    Trời (mùa đông) rất lạnh và có sương mù.
  28. Phù Mỹ
    Một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định. Thắng cảnh của Phù Mỹ tuy hoang sơ nhưng đẹp như: Chùa Hang, Giếng Tiên, di tích lịch sử đèo Nhông, đặc biệt phía đông là một vùng biển đẹp kéo dài từ Vĩnh Lợi đến cửa Hà Ra.
  29. Phù Cát
    Một huyện miền biển thuộc tỉnh Bình Định. Huyện có nhiều cảnh đẹp như bãi biển Cát Tiến, Đề Gi, suối nước nóng Hội Vân chùa Ông Núi... nổi tiếng nhất có lẽ là hòn Vọng Phu ở Núi Bà. Phù Cát còn có các làng nghề truyền thống như: đan lát Trung Chánh, gạch ngói Gia Thạnh, làng muối Đức Phổ, nước mắm cá cơm Đề Gi, đá mĩ nghệ Cát Tường...

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

  30. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  31. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định