Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Thành ngữ Hán Việt, dịch nghĩa thuần Việt là: "Tiền của như đất bên đàng, nhân nghĩa mới thực ngàn vàng trong tay."
  3. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  4. Nói đơn nói phung
    Nói ra nhiều thế, kẻ nói nhẹ người nói nặng, không hiệp lời nói. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của; xem thêm Phong)
  5. Kim Bôi
    Trước có tên là Lương Thủy, một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là đầu nguồn của sông Bôi, một phụ lưu chính của sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng.

    Suối nước khoáng Kim Bôi

    Suối nước khoáng Kim Bôi

  6. Hạ Bì
    Một xã thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
  7. Kim Bôi, Hạ Bì ngày trước là vùng rừng thiêng nước độc.
  8. Hai cây me do cụ thân sinh ra ba anh em nhà Tây Sơn - cụ Hồ Phi Phúc, trồng ở thôn Kiên Mỹ, quê vợ. Hai cây me này nay vẫn còn bên cạnh đền thờ thuộc bảo tàng vua Quang Trung.

    Một trong hai cây me ở bảo tàng Quang Trung

    Một trong hai cây me ở bảo tàng Quang Trung

  9. Bến Trường Trầu
    Một bến đò bên dòng sông Côn, nay thuộc thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Thôn Kiên Mỹ có Xóm Trầu chuyên buôn bán trầu cau. Tại đây, anh cả của ba anh em nhà Tây SơnNguyễn Nhạc từng nối nghiệp cha mẹ buôn bán trầu, nên mọi người gọi là anh Hai Trầu. Bến sông Côn tập kết trầu cau để chở đi các chợ An Thái, Quy Nhơn... thành tên bến Trường Trầu.

    Cầu Kiên Mỹ mới ở khu vực bến Trường Trầu xưa

    Cầu Kiên Mỹ mới ở khu vực bến Trường Trầu xưa

  10. Câu ca dao này được cho là xuất hiện sau ngày nhà Tây Sơn bị diệt, Nguyễn Ánh lên ngôi. Lòng dân luyến tiếc nhà Tây Sơn, nhưng trước sự trả thù tàn bạo của Gia Long và nhà Nguyễn sau này, đành phải gửi ẩn ý vào đây.
  11. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  12. Rau dừa
    Cũng gọi là cây hoa giếng, một loại cây thân thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, kết thành bè như rau muống, thường gặp ở các ao hồ. Trước đây những năm mất mùa, nhân dân ta thường vớt rau dừa về ăn độn.

    Cây rau dừa nước

    Cây rau dừa nước

  13. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  14. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  15. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  16. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  17. Gia cương
    Những giềng mối, kỉ cương trong gia đình, hiểu theo nghĩa hẹp chỉ tình cảm vợ chồng. Cũng đọc là gia cang.
  18. Đông Giàng
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Thượng Đạt, tỉnh Hải Dương, nằm ở ngạn Bắc sông Thái Bình.
  19. Lai Hạ
    Địa danh nay là một xã nằm về phía Đông huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, bên bờ sông Thái Bình.
  20. Đại giang Đông Giàng, tiểu giang Lai Hạ
    Tương truyền năm 1282, đời vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên người huyện Thanh Lâm (nay là Cẩm Bình, Hải Dương) giỏi chữ Nôm, làm văn tế ném xuống sông đuổi được cá sấu hại dân chài. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc) đuổi cá sấu, cho đổi thành họ Hàn (Hàn Thuyên), và cho hưởng nguồn lợi trên sông. Từ đó dân Đông Giàng được hưởng lợi trên sông lớn (Đại giang tức sông Thái Bình) còn dân Lai Hạ hưởng lợi trên các sông nhánh (tiểu giang) của sông Thái Bình.

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

  21. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  22. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  23. Khôn
    Khó mà, không thể.
  24. Chấm muối quăng ra
    Một cách đi của gà chọi: khi bước đi, các ngón chân chụm lại, đến khi sắp sửa chấm đất mới giương ra.
  25. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang