Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  2. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  3. Tạm Thương
    Tên một ngõ thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời nhà Nguyễn đây là nơi đặt một cái kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân trước khi chuyển vào kho chính, nên mới có tên gọi Tạm Thương (kho tạm).

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

  4. Lang
    Chàng (từ Hán Việt), tiếng con gái gọi con trai. Văn chương cổ thường dùng "tình lang," "bạn lang" để chỉ người tình.
  5. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  6. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  7. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  8. Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim
    Tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng của tỉnh Quảng Bình ngày xưa: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại.
  9. Sống ngâm da, chết ngâm xương
    Đời sống ở các vùng chiêm trũng quanh năm úng ngập ở các địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày trước.
  10. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  11. Tườu
    Con khỉ, dùng với ý bỡn cợt, mắng, rủa.
  12. Ăn thì hơn, hờn thì thiệt
    Giận lẫy thì mất phần ăn.
  13. Văn mình, vợ người
    Do câu Tự kỉ văn chương, tha nhân thê thiếp, nghĩa là văn của mình (thì hay), vợ của người khác (thì đẹp).
  14. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  15. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  17. Có bản chép: Cây mía.
  18. Chường
    Cố ý để lộ ra trước mọi người cho ai cũng thấy, tuy đáng lẽ nên ẩn đi, giấu đi (phương ngữ).
  19. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  20. Hòn Đá Bạc
    Tên một cụm gồm hai hòn đảo thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là một cụm đảo đá nhỏ nhưng có phong cảnh rất đẹp, là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở Cà Mau.

    Hòn Đá Bạc

    Hòn Đá Bạc

  21. Hòn Nhum
    Tên một cụm đảo nay thuộc ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, Kiên Lương, gồm các đảo Nhum Ông, Nhum Bà, Nhum Tròn, Nhum Mốt, Nhum Giếng... Gọi tên các đảo này là hòn Nhum vì xưa kia trên các hòn này có rất nhiều cây nhum. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Cây thiết tung tục gọi là cây nhum (ngoài Bắc gọi mỳ), giống như cây dừa mà có nhiều gai, thớ gỗ màu đen mà cứng bền, dùng làm cột nhà, sàn nhà, xẻ ra làm tấm khắc liễn đối rất tốt, lại dùng làm đồn lũy vì có gai nhọn và cứng.” Các đảo Hòn Nhum cùng với những đảo lân cận như Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Hòn Dừa... được xem là "Hạ Long của miền Nam."

    Cụm đảo Hòn Nhum

    Cụm đảo Hòn Nhum

  22. Tiều phu
    Người hái củi (chữ Hán tiều có nghĩa là củi).
  23. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  24. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)