Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  2. Bastos Luxe
    Giới bình dân gọi là "Bát Tốt Lát" hay "Bát Tốt Lút," một nhãn thuốc lá đầu lọc của hãng Juan Bastos phổ biến vào những năm 1960 ở Sài Gòn.
  3. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  4. Nẻ
    Nứt ra, nứt nẻ.
  5. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  6. Tày
    Bằng (từ cổ).
  7. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  8. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  9. Vông nem
    Còn gọi là cây vông, một loại cây thân có thể cao đến mười mét, có nhiều gai ngắn. Lá vông thường được dùng để gói nem hoặc để làm thuốc chữa bệnh trĩ, mất ngủ…

    Hoa và lá vông nem

    Hoa và lá vông nem

  10. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  11. Duyên tiền định
    Duyên số đã được định sẵn từ kiếp trước, theo quan niệm nhà Phật.
  12. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  13. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  14. Thiên Chúa
    Ngôi tối cao trong trong Cơ Đốc giáo, được xem là đấng toàn năng tạo dựng ra toàn thể vũ trụ, duy trì công cuộc sáng tạo và cung cấp mọi sự cần dùng cho dân Chúa. Theo giáo lí của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Giê-xu) và Chúa Thánh Thần. Khái niệm này cũng gọi là Tam vị nhất thể.
  15. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  16. Thủ
    Đầu (từ Hán Việt).
  17. Mồng Ga
    Cũng gọi là núi Mồng Gà, tên chữ là Kê Quan, một ngọn núi nay thuộc địa phận xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
  18. Phúc Đậu
    Một làng nay thuộc địa phận xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của Nguyễn Tuấn Thiện, một bậc khai quốc công thần thời Lê sơ.
  19. Nầm
    Địa danh nay thuộc xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây cũng có nhiều địa danh liên quan: rú Nầm (núi), vạn Nầm (làng chài), hói Nầm (cửa sông Khuất), vực Nầm (vực nước)…
  20. Gắn bó không chặt chẽ, thường dùng trong những trường hợp quan hệ tình nghĩa không như ý.
  21. Nga Khê
    Một làng nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nằm bên bờ sông Hồng. Xưa kia làng có nghề dệt lụa; tương truyền lụa Nga Khê dùng để tiến vua.
  22. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  23. Chi Long
    Tên một làng nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  24. Nam Xá
    Một làng nay thuộc xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Làng có nghề làm hương (nhang).
  25. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  26. Đại Hoàng
    Một làng nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Làng xưa kia trồng nhiều trầu không, và trầu ngon có tiếng.