Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  2. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  3. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  4. Vong
    Quên (từ Hán Việt).
  5. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  6. Dông
    Bỏ chạy mất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.
  8. Ba La
    Một địa danh nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau xanh.
  9. Vạn Tượng
    Tên một làng nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển bằng cửa Đại Cổ Lũy. Tại đây nổi tiếng với đặc sản là don.
  10. Chánh Lộ
    Tên một phường thuộc thành phố Quảng Ngãi hiện nay. Trước đây địa danh này là xã Cù Mông, đời Gia Long thuộc tổng Trung, sau thuộc về tổng Nghĩa Điền huyện Chương Nghĩa, có 815 mẫu ruộng đất. Đời Minh Mạng, Cù Mông đổi là Chánh Mông. Đến năm 1896, đường xuyên Việt chạy ngang qua xã, nên xã Chánh Mông đổi tên là xã Chánh Lộ.
  11. Tân Châu
    Địa danh nay là thị xã thuộc tỉnh An Giang, điểm đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào nước ta. Tại đây nổi tiếng với lãnh Mỹ A, loại lụa bóng được nhuộm đen bằng trái mặc nưa.

    Trái mặc nưa

    Trái mặc nưa

  12. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  13. Hòn Chồng
    Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.

    Hòn Chồng

    Hòn Chồng

  14. Hòn Yến
    Tên gọi chung cho Hòn Nội và Hòn Ngoại, hai hòn đảo có nhiều tổ yến của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 300 km. Đây cũng là địa điểm du lịch có tiếng của Nha Trang.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  15. Tháp Po Nagar
    Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.

    Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  16. Sinh Trung
    Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

  17. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  19. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  20. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  21. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  22. Cẩm tú
    Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.

    Mai sinh là bậc thiên tài,
    Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
    (Nhị Độ Mai)

  23. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  24. Chim gà, cá lệch, cảnh cau
    Chim ngon nhất là gà, cá ngon nhất cá lịch, cảnh đẹp nhất cây cau.
  25. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  26. Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá
    Tác 作 và tộ 祚, ngộ 遇 và quá 過 là các chữ Hán gần giống nhau, người đọc hay đọc nhầm. Thành ngữ này vì vậy chế giễu chữ nghĩa của học trò và mở rộng ra là sự nhầm lẫn hoặc dốt nát nói chung. Có bản chép: Chữ ngộ đánh chữ quá.
  27. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  28. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Khôn
    Khó mà, không thể.
  30. Tày
    Bằng (từ cổ).
  31. Ba thu
    Ba mùa thu, tức là ba năm. Lấy ý từ bài Thái cát (Hái rau) trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Bỉ thái tiêu hề.
    Nhất nhật bất kiến,
    Như tam thu hề

    Dịch:
    Cỏ tiêu đi hái kìa ai,
    Xa nhau chẳng gặp một ngày đợi trông.
    Bằng ba mùa đã chất chồng.

    "Một ngày không gặp xem bằng ba thu" thường dùng để chỉ sự nhớ nhung khi xa cách của hai người yêu nhau.