Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lòng son
    Lòng bền vững không lay chuyển (cũng thường có cách nói: lòng son sắt, lòng son dạ sắt).
  2. Dương gian
    Cõi dương, thế giới của người sống, đối lập với cõi âm hay âm phủ là thế giới của người chết.
  3. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  4. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  5. Cửa Thanh Hà
    Tức cửa sông Gianh, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Quảng Bình. Đại Nam nhất thống chí viết: “Sông Linh Giang: ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà.”
  6. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  7. Sông La
    Một phụ lưu của sông Lam, chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu tại bến Tam Soa. Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình, là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân và nhạc sĩ.

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

  8. Bứa
    Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.

    Quả bứa

    Quả bứa

  9. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  10. Bẵng
    Bắc nồi lên bếp (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Có bản chép: Đốt lửa đun sôi.
  12. Bát loa
    Loại bát nông, gần giống đĩa, vành rộng. Có nơi cũng gọi là bát ô tô.

    Bát loa

    Bát loa

  13. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  14. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  15. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  16. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  17. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  18. Lai Nghi
    Tên một thôn gần phố cổ Hội An, thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có di chỉ khảo cổ được cho là thuộc văn hóa Sa Huỳnh.
  19. Cẩm Phô
    Tên một làng có từ lâu đời thuộc địa phận phố cổ Hội An, Quảng Nam. Tại đây có đình và chợ cũng có tên là Cẩm Phô. Tên nhân vật Cẩm Phô trong tác phẩm Trại Hoa Vàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là lấy từ địa danh này.

    Đình làng Cẩm Phô

    Đình làng Cẩm Phô

  20. Nỏ thà
    Chẳng thà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Ấp mạ giường không
    Chỉ sự cô đơn lạnh lẽo. Thường nói đến cảnh nam nữ đã quá thì mà chưa lập gia đình.
  22. Gia đạo
    Phép tắc trong gia đình.
  23. Rầy
    Làm phiền.
  24. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  25. Kim Bôi
    Trước có tên là Lương Thủy, một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là đầu nguồn của sông Bôi, một phụ lưu chính của sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng.

    Suối nước khoáng Kim Bôi

    Suối nước khoáng Kim Bôi

  26. Hạ Bì
    Một xã thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
  27. Kim Bôi, Hạ Bì ngày trước là vùng rừng thiêng nước độc.
  28. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Nguyệt Đàm
    Một thôn trước đây thuộc xã Yên Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  30. Sa Nam
    Thị trấn cũ, nay là thị trấn Nam Đàn thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại đây vào năm 722, Mai Thúc Loan đã cho xây thành Vạn An trên núi Đụn (tên chữ là Vệ Sơn) làm đại bản doanh, đánh tan quân nhà Đường ở châu Hoan rồi tiến quân ra Bắc chiếm thành Tống Bình, giải phóng đất nước. Hiện nay trên núi Đụn vẫn còn đền thờ ông.

    Đền thờ Mai Hắc Đế

    Đền thờ Mai Hắc Đế

  31. Định Hòa
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  32. Hổ Bái
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Bái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đền Hổ Bái, thờ người con thứ 11 của Lạc Long Quân.

    Đền Hổ Bái

    Đền Hổ Bái

  33. Đan Nê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có núi Đồng Cổ (cũng có tên là núi Đan Nê) cùng với các di tích như chùa Thanh Nguyên và đền thờ thần Đồng Cổ.

    Đền thờ thần Đồng Cổ

    Đền thờ thần Đồng Cổ

  34. Quảng Hán
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Làng Quảng Hán còn có tên Nôm là làng Hớn hoặc làng Hón.
  35. Lựu Khê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  36. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  37. Quán Lào
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1989, thị trấn Thiệu Yên được thành lập, là huyện lị của huyện Thiệu Yên. Năm 1996, huyện Yên Định tái lập từ huyện Thiệu Yên, thị trấn Thiệu Yên được đổi tên thành thị trấn Quán Lào.
  38. Nhất buổi trưa, nhì trời mưa
    Hai thời điểm dễ khiến người ta rạo rực, hứng tình (quan niệm dân gian).