Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  2. Lốp
    (Lúa) bị lép hạt.
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Tháng năm thường khô hạn, cá rô không có thức ăn nên gầy, xương xẩu cứng như dằm gỗ lim.
  5. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Chuối mùa đông ít nắng nên ăn nhạt phèo.
  7. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  8. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  9. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  10. Lạt
    Nhạt (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  13. Đòn xóc
    Vật dụng thường làm từ một đoạn tre, hai đầu vót nhọn, dùng để xóc gánh lúa, cỏ, mía...

    Dùng đòn xóc

    Dùng đòn xóc

  14. Đòn xóc hai đầu
    Người đứng giữa xúc xiểm cả hai bên để đẩy họ đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột với nhau, cũng như cái đòn xóc có hai đầu nhọn để xóc các bó lúa, ngô.
  15. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  16. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  17. Son
    Màu đỏ.
  18. Chùa Sét
    Còn có tên là chùa Đại Bi, một ngôi chùa nay nằm ở thôn Giáp Lục, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, thờ Phật và Tứ Pháp.

    Chùa Sét

    Chùa Sét

  19. Nghinh tân yếm cựu
    Đón mới, bỏ cũ.
  20. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  21. Phú Phong
    Một địa danh nay là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
  22. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  23. Thanh thiếu niên đang tuổi lớn nên ăn rất khỏe, ăn mấy cũng chưa đủ no. Tuổi này cũng là tuổi vô tư, không biết suy nghĩ, lo lắng gì sâu sắc.
  24. Cá lành canh
    Loài cá nhỏ cùng họ với cá cơm, thân mỏng, dài (khoảng 20 mm) và thuôn, đuôi nhỏ, mình trắng trong, ít vẩy, đỉnh đầu và lưng có màu xanh đen, nhạt dần xuống phía bụng, đa số sống thành đàn ở hạ lưu các sông ngòi nước ngọt, ăn phù du và các động vật nhỏ. Cá lành canh thường được dùng nấu canh và làm chả.

    Cá lành canh

    Cá lành canh

  25. Tự vẫn
    Tự tử bằng cách đâm vào cổ. Có khi nói thành tự vận.
  26. Gá dươn
    Gá duyên, kết nghĩa vợ chồng (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Gió Lào
    Loại gió khô và nóng xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín. Vì hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào, vượt Trường Sơn vào nước ta nên gió có tên là gió Lào, còn có các tên là gió nam hoặc gió phơn Tây Nam (foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức föhn chỉ loại gió ấm ở vùng núi Alps). Gió thổi đập vào người nóng như cào da thịt nên cũng gọi là gió nam cào.
  28. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  29. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  30. Sáu “chén to” là sáu tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, Biên Hoa, Định Tường, Gia Định, sau lại bị chính quyền cai trị Pháp chia thành hai mươi hạt (“chén con sò”): Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Sài Gòn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, và Bạc Liêu.