Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Về thời tiết, hễ thấy trời u ám ở phía đông vì mây đen che phủ thì biết trời sắp mưa; về chế biến và sử dụng thực phẩm, hễ thấy dưa bắt đầu sậm màu thì biết là dưa sắp khú; còn về sinh lý phụ nữ, hễ thấy đầu vú thâm lại thì biết là đã có mang (theo học giả An Chi).
  2. Kinh xáng Xà No
    Gọi tắt là kinh (kênh) Xáng, một dòng kênh do thực dân Pháp đào vào năm 1903 nhằm khai thác vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang. Kênh rộng 60 m, đáy 40 m, độ sâu từ 2,5-9 m, dài 39 km nối liền sông Hậu (từ sóc Xà No, nay là ngã ba vàm Xáng, Phong Điền, Cần Thơ) đến sông Cái Lớn (ngọn rạch Cái Tư, nay thuộc thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Đây là công trình đường thủy lớn đầu tiên của Nam Kì.

    Kinh xáng Xà No

    Kinh xáng Xà No

  3. Điệu
    Đạo (đạo anh em, đạo vợ chồng...).
  4. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  5. Nhàn
    Tên chung của một số loài chim biển (nhàn trắng, nhàn hồng...) thường làm tổ và đẻ trứng trên các vách đá ngoài khơi.

    Chim nhàn

    Chim nhàn

  6. Điểu ngư
    Chim và cá (chữ Hán).
  7. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  8. Tấn lai
    Bước đến.
  9. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  10. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  11. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  12. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  13. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  14. Hà do
    Tại sao.
  15. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  16. Vật dĩ gì
    Quý báu gì (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  18. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  19. Tàu thủy.
  20. Héo don
    Héo hon (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  21. Lầu Ông Hoàng
    Một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một biệt thự do một ông hoàng người Pháp tên là Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I, xây để nghỉ mát khi qua đây du lịch vào năm 1911. Địa danh này còn gắn liền với cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.

    Tòa nhà đã bị đánh sập hoàn toàn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh, hiện nay gần như không còn dấu tích.

    Phế tích lầu Ông Hoàng

    Một lô cốt Pháp xây gần nền Lầu Ông Hoàng cũ

  22. Ba Hộ
    Tên khác của làng An Hải, nằm bên tả ngạn sông Cà Ty. Hiên nay làng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  23. Tương truyền khi lầu Ông Hoàng xây xong thì làng Ba Hộ mắc bệnh dịch, sau đó là lụt lội làm chết rất nhiều người. Dân gian cho rằng chính ông Hoàng đã gây nên tai vạ ấy.
  24. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  25. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  26. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  27. Có bản chép: "Không duyên", hoặc "Trái duyên".
  28. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  29. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  30. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  31. Khôn
    Khó mà, không thể.
  32. Phú Đa
    Tên thị trấn thuộc huyện Hòa Vang, Thừa Thiên-Huế.