Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhật Tảo
    Cũng đọc là Nhựt Tảo theo cách đọc miền Nam, một con sông chảy qua địa bàn huyện Kiên Giang, đồng thời cũng là tên một vàm sông nơi sông Nhật Tảo gặp sông Vàm Cỏ Đông, nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tại đây vào ngày 10 tháng 12 năm 1861, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã bất ngờ tấn công và đốt chìm tiểu hạm Espérance của Pháp, giết chết 37 lính Pháp trong một trận đánh làm nức lòng nhân dân ta.
  2. Trận đồn Kiên Giang
    Tên trận đánh chiếm đồn Kiên Giang (còn gọi là đồn Rạch Giá) do Nguyễn Trung Trực khởi xướng, xảy ra vào ngày 16 tháng 6 năm 1868. Giặc Pháp mất 5 sĩ quan và 67 lính, đồng thời mất khoảng một trăm khẩu súng đủ loại cùng nhiều đạn dược. Tuy nghĩa quân chỉ giữa được đồn 5 ngày, nhưng sự kiện này đã được tác giả George Diirrwell đánh giá là một sự kiện bi thảm (un événement tragique) của thực dân Pháp ở nước ta.
  3. Nồi bung
    Thứ nồi rất to.
  4. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  5. Hội Gióng
    Một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội gồm có lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa, hoạt cảnh đánh giặc Ân...

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  6. Thánh Gióng
    Cũng gọi là Phù Đổng Thiên Vương, một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử). Theo truyền thuyết, ông sinh ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Gióng lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi. Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng bỗng nhiên cất tiếng xin vua đóng cho ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt và nón sắt. Sau đó Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, vươn vai trở thành một chàng trai cao lớn, lên ngựa đi đánh tan giặc, rồi bay về trời tại chân núi Sóc Sơn.

    Hiện nay tại làng Phù Đổng vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Ở nhiều làng quê Hà Nội cũng có ngày hội Gióng.

  7. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  8. Long Mỹ
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Hậu Giang, nằm hoàn toàn trong khoảng giữa vùng Tây sông Hậu, địa hình thấp và bằng phẳng, hệ thống kênh rạch chằng chịt.

    Thị xã Long Mỹ

    Thị xã Long Mỹ

  9. Hà Tiên
    Địa danh nay là thị xã phía tây bắc tỉnh Kiên Giang, giáp với Campuchia. Tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ Tà Ten, cách người Khmer gọi tên con sông chảy ngang vùng đất này.

    Hà Tiên về đêm

    Hà Tiên về đêm

  10. Từ mẫu
    Mẹ hiền (từ Hán Việt).
  11. Dồi
    Món ăn được làm từ lòng (lòng lợn, lòng chó) hoặc thân động vật, có dạng hình ống, được nhồi đầy hỗn hợp gồm tiết và các loại rau gia vị như muối, tiêu, mỳ chính, nước mắm, tỏi và lạc, đậu xanh. Sau khi nhồi đầy chặt thì được hấp cách thủy cho chín hoặc nướng. Khi ăn, dồi được cắt ra thành lát mỏng, ăn với các loại rau mùi như rau thơm, húng... Thường gặp nhất là dồi chó, dồi lợn, sau đó là dồi rắn, lươn, cổ vịt...

    Dĩa dồi

    Dĩa dồi

  12. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  13. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  14. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  16. Chúa Nguyễn
    Cách gọi chung trong sử sách và dân gian về chín đời chúa đều thuộc dòng họ Nguyễn, kế tiếp nhau cai trị và mở mang các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền Nam, bắt đầu vào đầu giai đoạn Lê trung hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Họ là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta (1802-1945). Chín đời chúa Nguyễn và mười ba đời vua Nguyễn sau này có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, mang lại hình dạng non sông như hiện nay.
  17. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  18. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  19. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.