Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  2. Giừ
    Giờ, bây giờ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  3. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  4. Cầu an
    Cũng gọi là kì yên, một nghi lễ của Phật giáo. Lễ cầu an (cầu cho an bình) có mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo.
  5. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  6. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  7. Lộ
    Đường cái, đường đi lại (từ Hán Việt).
  8. Mương
    Đường nước do con người đào để dẫn nước.

    Mương nước

    Mương nước giúp tưới tiêu ruộng lúa

  9. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  10. Có bản chép: Sài Gòn.
  11. Gò Vấp
    Địa danh nay là một quận nội thành nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Gò Vấp là quận đông dân cư, và là nơi có nhiều giáo đường, chùa chiền.Theo một số tư liệu, trước đây nơi này là một ngọn đồi trồng nhiều cây vắp (một loại cây thuộc họ măng cụt) nên có tên gọi là Gò Vắp, sau đọc trại đi mà thành Gò Vấp.

    Cây vắp

    Cây vắp

  12. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  13. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  14. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  15. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  16. Quản tượng
    Người trông nom và điều khiển voi (từ Hán Việt).
  17. Câu này trong cuốn Về cội về nguồn, quyển III, Lê Gia giải thích: người mắc bệnh lậu khi đi tiểu tiện bị đau buốt, phải rên la "Ôi cha, chặc, chặc, chặc! Đau quá!", tiếng rên giống như tiếng gọi cha và ba tiếng đánh lưỡi gọi chó.
  18. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  19. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  20. Có bản chép: rượu chè năm canh.
  21. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  22. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  23. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

  24. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  25. Xóm Bóng
    Còn gọi là bến Bóng, một địa danh thuộc thành phố Nha Trang. Xóm Bóng gồm hai phần: một nằm bên bờ sông Cái, nơi sông đổ ra biển Đông qua cửa Lớn, và phần còn lại là cù lao trên sông. Giữa hai phần này là cầu xóm Bóng, đứng trên cầu có thể thấy tháp Bà Ponagar, thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Hòa.

    Tên xóm Bóng bắt nguồn từ một thói quen của làng cù lao xưa: Vào các dịp lễ vía cúng bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, những "cô bóng, bà bóng" của làng lại tập trung múa hát.

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

  26. Hòn Chữ
    Một tảng đá lớn có những tảng nhỏ sát cạnh nằm ở cửa sông Cái (Nha Trang), chu vi chừng 100 m2, cao từ mặt nước lên khoảng vài mét, thường làm du khách chú ý khi đi dọc theo cầu Xóm Bóng hay từ trên khuôn viên Tháp Bà nhìn xuống hướng Đông Nam. Trên đá có in khắc chữ, một lối chữ hình giống như những con nòng nọc nối đuôi nhau, được cho là chữ cổ của người Chiêm Thành xưa.

    Hòn Chữ

    Hòn Chữ

  27. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  28. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  29. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  30. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  31. Gành Rồng
    Tên một mũi đá nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.