Hệ thống chú thích

  1. Xếp bè he
    Ngồi bệt và bó gối.
  2. Xi
    Mạ (phát âm theo tiếng Pháp cire).
  3. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  4. Xỉ
    Tuổi tác (từ Hán Việt).
  5. Lượm được (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Xí gạt
    Lừa gạt nhưng chỉ để cho vui, không ác ý (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Xi măng
    Từ mượn của tiếng Pháp ciment, trước đây cũng gọi là xi-mon.
  8. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  9. Xì po
    Phát âm từ tiếng Anh "sport" (thể thao).
  10. Xi vu lét-xê moa
    Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
  11. Xí xọn
    Chưng diện, phô trương lố lăng những thứ thuộc về hình thức như ăn mặc, trang sức...
  12. Xích
    Gần, sát (phương ngữ).
  13. Xích Ram
    Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
  14. Xích thằng
    Sợi chỉ đỏ, dùng để chỉ duyên vợ chồng, gắn với điển tích về Nguyệt lão.

    Cạn lời, khách mới thưa rằng,
    Buộc chân, thôi cũng xích thằng nhiệm trao

    (Truyện Kiều)

  15. Xích Thố
    Tên một con ngựa nổi tiếng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa (nên gọi là Xích Thố), tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Ngựa Xích Thố ban đầu của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố. Lúc Lã Bố chết, nó được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau trao lại cho Quan Công. Khi Quan Công mất thì ngựa cũng nhịn ăn mà chết theo.

    Về sau, tên Xích Thố thường dùng để chỉ ngựa hay.

    Đồ hoạ vi tính: Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố

    Đồ hoạ vi tính: Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố

  16. Xiêm
    Tên gọi trước đây của nước Thái Lan, cũng gọi là Xiêm La.
  17. Xít
    Gần sát (phương ngữ Quảng Nam).
  18. Xô bồ
    Lẫn lộn, không phân biệt tốt xấu
  19. Xỏ chân lỗ mũi
    Câu thành ngữ này vốn chỉ hành động uốn dẻo, tự xỏ chân vào lỗ mũi mình, nghĩa bóng là khoe khoang sự mềm dẻo khéo léo. Sau này "xỏ chân lỗ mũi" được hiểu là xỏ chân mình vào lỗ mũi người khác, nghĩa bóng chỉ sự hỗn láo. Câu này có một dị bản là "Xỏ dùi lỗ mũi" với ý nghĩa tương tự.

    Xỏ chân lỗ mũi

    Xỏ chân lỗ mũi

    Xỏ dùi lỗ mũi

    Xỏ dùi lỗ mũi

  20. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.