Hệ thống chú thích

  1. Xích Thố
    Tên một con ngựa nổi tiếng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa (nên gọi là Xích Thố), tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Ngựa Xích Thố ban đầu của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố. Lúc Lã Bố chết, nó được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau trao lại cho Quan Công. Khi Quan Công mất thì ngựa cũng nhịn ăn mà chết theo.

    Về sau, tên Xích Thố thường dùng để chỉ ngựa hay.

    Đồ hoạ vi tính: Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố

    Đồ hoạ vi tính: Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố

  2. Xiêm
    Tên gọi trước đây của nước Thái Lan, cũng gọi là Xiêm La.
  3. Xít
    Gần sát (phương ngữ Quảng Nam).
  4. Xô bồ
    Lẫn lộn, không phân biệt tốt xấu
  5. Xỏ chân lỗ mũi
    Câu thành ngữ này vốn chỉ hành động uốn dẻo, tự xỏ chân vào lỗ mũi mình, nghĩa bóng là khoe khoang sự mềm dẻo khéo léo. Sau này "xỏ chân lỗ mũi" được hiểu là xỏ chân mình vào lỗ mũi người khác, nghĩa bóng chỉ sự hỗn láo. Câu này có một dị bản là "Xỏ dùi lỗ mũi" với ý nghĩa tương tự.

    Xỏ chân lỗ mũi

    Xỏ chân lỗ mũi

    Xỏ dùi lỗ mũi

    Xỏ dùi lỗ mũi

  6. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.

  7. Xơ rơ
    Xơ xác, trơ trụi (phương ngữ miền Trung).
  8. Xo ro
    Có thái độ khép kín, thui thủi một mình.
  9. Xớ rớ
    Đứng quanh quẩn ở nơi không cần đến mình, hoặc mình chẳng có việc gì ở đó.
  10. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Xoài tượng
    Một loại xoài vỏ xanh, thịt nhiều, giòn, vị chua thanh. Loại xoài này được gọi là "xoài tượng" vì có kích cỡ lớn (tượng từ Hán Việt nghĩa là voi). Ở nước ta, xoài tượng ở Đại An, tỉnh Bình Định là nổi tiếng ngon nhất nước.

    Trái xoài tượng

    Trái xoài tượng

  12. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  13. Xoan
    Một loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với nhiều yếu tố kết hợp: nhạc, hát, múa. Hát xoan thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở Phú Thọ.

    Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy; toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.

    Thưởng thức một bài hát xoan Phú Thọ

  14. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  15. Xoàn
    Kim cương (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Xoắn vó
    Xoắn xuýt, quấn quýt (phương ngữ Huế).
  17. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  18. Xoi
    Đào, xới, làm cho thông, cho thoáng.
  19. Xổi
    Cách muối (dưa, cà) nhanh, làm ăn ngay trong ngày.