Hệ thống chú thích

  1. Xấu máu đòi ăn của độc
    Xấu máu chỉ đàn bà con gái ốm yếu, kinh nguyệt không đều. Người xấu máu mà ăn của độc, thì bệnh sẽ nặng thêm, người càng ốm yếu. Nghĩa bóng câu này muốn nói người ở địa vị thấp mà đòi danh vọng cao, người bất tài mà đòi làm việc lớn.
  2. Xấu Phù Ly, xấu Tuy Viễn
    Xấu lây, xấu huyện này xấu tới huyện khác. (Phù Ly và Tuy Viễn là hai trong ba huyện đầu tiên thuộc phủ Hoài Nhơn dưới thời nhà Lê, nay thuộc tỉnh Bình Định.)
  3. Xây
    Xoay (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Xây lưng
    Quay lưng (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  6. Xe chỉ
    Xe là động tác xoắn sợi để tạo nên hiệu ứng theo yêu cầu công việc, hoặc là xoắn rồi gập đôi lại để có một sợi to hơn, chắc hơn, hoặc xoắn bện giữa hai, ba sợi với nhau, hoặc xe từ bông vải để thành sợi chỉ, hoặc xe vuốt cho đầu sợi chỉ đang xòe bung trở thành thuôn nhỏ để luồn kim...

    Nghe bài dân ca Xe chỉ luồn kim.

  7. Xe cút kít
    Cũng gọi là xe rùa, loại xe thô sơ có kích thước nhỏ để vận chuyển bằng tay. Xe cút kít thường sử dụng trong xây dựng để vận chuyển gạch đá, vôi vữa...

    Xe cút kít

    Xe cút kít

    Xe cút kít ngày xưa

  8. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  9. Xe loan
    Xe có khắc hình chim loan, dùng cho vua chúa đi thời xưa.
  10. Xe lửa
    Tàu hỏa (phương ngữ miền Trung và Nam Bộ).
  11. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  12. Xe mười, pháo bảy, ngựa ba
    Giá trị của các quân cờ trong cờ tướng, theo đó quân Xe có giá trị nhất, quân Pháo có giá trị trung bình, và quân Mã (ngựa) kém giá trị nhất.
  13. Xe nước
    Công cụ làm bằng tre, có hình chiếc bánh xe, dùng để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Tương truyền kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung là loại xe nước ở Ai Cập vào thế kỉ trước do Nguyễn Trường Tộ vẽ lại mang về áp dụng từ nửa cuối thế kỉ 19.

    Xe nước

    Xe nước

  14. Xe song mã
    Cỗ xe có hai ngựa kéo. Dưới thời phong kiến, đây là loại xe chỉ có quan lại hoặc nhà quyền quý mới được đi.
  15. Xe tứ mã
    Xe bốn ngựa kéo.
  16. Xẻo Sâu
    Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
  17. Xếp bè he
    Ngồi bệt và bó gối.
  18. Xi
    Mạ (phát âm theo tiếng Pháp cire).
  19. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.