Hệ thống chú thích

  1. Tương tàu
    Một loại đồ chấm làm từ đậu nành trộn với muối và bột mì rang để lên men và phơi nắng, có nguồn gốc từ Trung Hoa. Sau quá trình lên men, phần nước được chắt ra gọi là nước tương (xì dầu), phần xác đậu (bã) còn lại gọi là tương tàu. Tương tàu có rất nhiều biến thể tùy theo vùng miền.

    Tương tàu

    Tương tàu

  2. Tương thân
    Thương yêu lẫn nhau (từ Hán Việt).
  3. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  4. Tuống Trùng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tuống Trùng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  6. Tườu
    Con khỉ, dùng với ý bỡn cợt, mắng, rủa.
  7. Túp
    Từ dùng để chỉ đơn vị nhà nhỏ, thấp, che lợp sơ sài.
  8. Tửu bất túy nhơn, nhơn tự túy
    Trích từ câu hát bội:

    Tửu bất túy nhơn, nhơn tự túy
    Hoa bất mê nhơn, nhơn tự mê.

    (Người tự say rượu chứ không phải rượu làm người say
    Người tự mê hoa chứ không phải hoa mê người.)

  9. Tửu điếm
    Quán rượu (từ Hán Việt).
  10. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  11. Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị
    Hễ rượu vào là như chó điên ngồi giữa chợ (chữ Hán).
  12. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa
    Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít, nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng là còn nhiều. Đây là hai câu thơ trong bài Xuân nhật Tây Hồ ký Tạ Pháp tào vận (Ngày xuân ở Tây Hồ gửi vần thơ đến quan Pháp tào họ Tạ) của Âu Dương Tu, một nhà thơ sống vào đời nhà Tống, Trung Quốc.
  13. Tuy An
    Địa danh nay là một huyện nằm ven biển tỉnh Phú Yên, phía bắc giáp thị xã Sông Cầu và Đồng Xuân, phía tây là huyện Sơn Hòa, phía nam là thành phố Tuy Hòa, phía đông là biển Đông. Tại đây có đầm Ô Loan (trước đây là cửa biển, nay bị bồi lấp), một đầm nước lợ lớn có tiềm năng kinh tế và du lịch của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  14. Túy hậu thiêm bôi
    Sau khi say rồi còn rót thêm chén khác. Lấy từ Tăng quảng hiền văn (Cổ huấn), một tác phẩm khuyết danh Trung Hoa: Khát thời nhất tích như cam lộ, túy hậu thiêm bôi bất như vô (Khi khát một giọt như nước thánh, đã say thêm chén chẳng bằng không).
  15. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  16. Túy La
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là quê hương của Nguyễn Thành Ý, người được xem là vị lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Đại Nam (1874-1883) tại Nam Kỳ thuộc Pháp, một trong những đại thần có xu hướng ủng hộ canh tân đất nước vào giữa thế kỉ 19.
  17. Túy Loan
    Một làng cổ thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Xưa là nơi buôn bán tấp nập, sầm uất.

    Hội làng Túy Loan

    Hội làng Túy Loan

  18. Tuy Lộc
    Một ngôi làng nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  19. Tuy Phước
    Tên một huyện lị của tỉnh Bình Định, ngày xưa là thôn Vinh Thạnh. Tuy Phước nổi tiếng với đặc sản là nem chợ Huyện, đồng thời là quê hương của danh nhân văn hóa, nhà soạn tuồng hát bội Đào Tấn và nhà thơ Xuân Diệu.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện