Hệ thống chú thích

  1. Tùng
    Theo (từ Hán Việt). Trung và Nam Bộ cũng phát âm thành tòng.
  2. Tùng bá
    Cây tùng (tòng) và cây bách (bá), trong văn chương thường được dùng để tượng trưng cho những người có ý chí vững mạnh, kiên cường, thẳng thắn.
  3. Tùng giả
    Người đi theo, tùy tùng. Cũng nói là tòng giả.
  4. Tùng lộc
    Cây tùng và con nai. Tùng tượng trưng cho sức sống bền bỉ và tuổi thọ, còn nai tượng trưng cho địa vị (lộc cũng đồng âm với tài lộc), vì vậy tranh vẽ, tranh khắc gỗ, họa tiết gốm… trong dân gian thường vẽ tùng lộc.

    Tranh tùng lộc

    Tranh tùng lộc

  5. Tùng quân
    Cây tùng và cây thông (cây quân). Theo quan niệm Nho giáo, hai loài cây này tượng trưng cho khí tiết ngay thẳng của người quân tử.

    Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
    Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.

    (Truyện Kiều)

  6. Tùng quy
    Theo về (từ Hán Việt).
  7. Tùng tam tụ ngũ
    Tụm năm tụm ba (thành ngữ Hán Việt).
  8. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  9. Tưng tiu
    Nâng niu (từ cổ).
  10. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  11. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  12. Tượng
    Giống, tương tự.
  13. Tuồng
    Từ dùng với ý coi thường để chỉ hạng người cùng có một đặc điểm chung nào đó.
  14. Tưởng
    Nghĩ đến (từ Hán Việt).
  15. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  16. Tuông
    Đem lúa (hoặc các loại nông sản khác) vào nhà sau khi phơi (hoặc đang phơi thì mắc mưa).
  17. Tuông
    Đụng chạm (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Tượng
    Con voi (từ Hán Việt).
  19. Tuồng
    Có vẻ.
  20. Tướng
    Vẻ mặt và dáng người nói chung, thường được coi là sự biểu hiện của tâm tính, khả năng hay số mệnh của một người.